Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Tư, 02/12/2020 | 16:22

(tiếp theo số báo 3398)

Trong suy nghĩ của tôi, ở Bạc Liêu tính cách ấy là rất đậm đặc bởi vì hàng trăm năm trước, lối sống của con người và nếp sống của làng quê Bạc Liêu đã thể hiện sự hào hiệp nghĩa tình một cách ổn định và nó luôn thể hiện một sức sống mạnh mẽ, lâu bền. Thế nên nó đã kết tinh thành văn hóa. Đó là văn hóa truyền thống của Bạc Liêu nói riêng và miệt Hậu Giang nói chung.

Với tôi, đó còn là một thứ tình quê! Ba chữ “đỡ đần nhau” là một ngôn từ của đất mới, nghe nó hịch hạc, ngây ngô mà tràn đầy xúc cảm vì nó được minh họa bằng đời sống thời ấy vô cùng sinh động. Ngay từ khi tôi mở mắt chào đời, thứ tình cảm ấy đã tưới tắm, nuôi dưỡng cho tâm hồn, nhân cách của tôi, giống như dòng nước ngọt lành đầy ắp phù sa của dòng sông Hậu, sông Tiền, chảy về tưới tắm tràn ngập những cánh đồng miệt Hậu Giang đồng khô cỏ cháy.

Ảnh minh họa: B.T

Vào thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX, cái thuở tôi mới lên chín lên mười, thì dòng chảy của khúc hát hành phương Nam từ sông Tiền qua sông Hậu về miệt Hậu Giang vẫn còn diễn ra hết sức mạnh mẽ, tươi rói. Và có lẽ đó là lần chảy quy mô rõ hình cuối cùng sau khi nó nhạt nhòa, mất dấu như bây giờ.

Nhà của tôi ở tại một xóm nhỏ, nằm dọc dài theo bờ sông Bạc Liêu. Ngày bé mỗi khi gió chuyển mùa thổi về xào xạc mái lá ở hai đầu song nhà là tôi tốc mùng ngồi dậy ra sau hè mà hít thở cái không khí mát mẻ, rồi bật thốt: gió chướng đã về! Vâng! Đó là một ngọn gió chứa đựng những quyền năng của vũ trụ. Nó thổi về để quét sạch cái không khí chật chội, oi bức của mấy tháng hè làm cho trời đất Hậu Giang trở nên phóng khoáng mát mẻ lạ thường. Nông dân quê tôi gọi thời khắc ấy là “mùa vui”, “mùa no ấm đã về”. Gió chướng về là mùa lúa chín đến, cả đồng quê dậy lên cái hương lúa chín nồng đượm, nó chẳng những làm say đắm các nàng thơ mà còn làm đê mê ngây ngất những nông dân vừa trải qua mùa giáp hạt mấy tháng trời đầy đói kém. Gió chướng về là đồng khô, đường quê cũng khô ráo. Sáng ngó ra kênh, ra đồng bỗng bắt gặp những điều rất khác lạ. Hàng so đũa sau nhà bỗng nở trắng bờ đê, mấy dây đậu rồng leo lên bờ giậu cũng nở hoa tím ngắt. Dưới bờ sông những quầy dừa nước bỗng “có cái vừa ăn”, cây me sau hè trĩu oằn trái “dốt bột”. Trên trảng, trên bàu, trên ao, dưới đìa, ngoài ruộng bông súng đồng nở trắng đồng quê. Và cũng ở đó cá đồng rút về ăn móng như cơm sôi. Sáng tinh sương ta ra đồng, trong tiết trời lành lạnh, sẽ bắt gặp những con cá “rô mề” đen nhánh, mập ú nhảy khỏi mặt nước mà đớp những bông lúa chín phát ra âm thành rèn rẹt rất vui tai. Trong cái mùa vui, mùa no ấm ấy, bữa cơm nhà nông nghèo, thường xuyên đói kém dọn ra vun chùn thức ăn. Đó là món quà thiên nhiên trao tặng con người nhiều hơn là thành quả lao động của họ. Một đĩa cá trê nướng vàng ươm, chảy mỡ, một đĩa tôm chao, một đĩa đậu rồng, gừng non, ớt xanh… Kế bên đó một tô canh chua bốc khói được nấu từ cá “rô mề” với bông so đũa. Kế bên nữa là một ơ cá lóc kho tiêu… Người nông dân ngồi ăn say sưa đến mồ hôi vã như tắm. Ăn xong thì mệt nhọc trôi tuột hết, người nhẹ nhàng sảng khoái lạ thường. Thiên nhiên bỗng chốc trút bỏ cho họ cái đời nghèo nàn đói kém triền miên. Khi đó hồn đất nhập vào hồn người để tạo ra một tình yêu đồng đất làng quê trong con người một cách dịu êm và mạnh mẽ.

Và cũng trong lúc ấy, trên dòng sông Bạc Liêu quạnh vắng, một ánh trăng non trải lên mặt sông bàng bạc, một tiếng vạc sành trút bỏ trên sông, nghe mà cảm thương thân phận con người thời ly loạn điêu linh thì điệu hò của ai đó cất lên:

“Đạo nào vui cho bằng đạo đi buôn

Xuống bể lên nguồn, gạo chợ nước sông”.

Thế là biết đã đến mùa bà con trên vườn về Hậu Giang gặt mướn. Họ lại hò:

“Bớ ghe sau chèo mau, tôi đợi

Khúc sông này bờ bụi khó qua”.

Hồi đó là đất nước chiến tranh, mịt mù khói lửa, hoặc sau năm 1975 - hòa bình về nhưng di chứng của chiến tranh làm cho miệt Hậu Giang rất đói khổ… Vậy mà cái khúc hát hành phương Nam vẫn nhộn nhịp như thuở nào. Khách thương hồ theo dòng nước lũ của sông Tiền, sông Hậu rồi xuống Bãi Xàu, Cổ Cò, Vàm Lẽo mà về Bạc Liêu, Cà Mau; hay vòng đường Chắc Băng Cạnh Đền mà xuống miệt thứ U Minh, Rạch Giá. Những dòng sông của miệt Hậu Giang từ xưa vốn hoang vu lạnh vắng, những xóm làng cũng thưa thớt đìu hiu… Gió chướng thổi về đã mang theo khách thương hồ về tặng cho Hậu Giang một sinh khí mới của đời sống.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.