Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 19/02/2021 | 15:58

(tiếp theo số báo 3428)

Hồi đó, trước mặt cơ quan Báo Minh Hải là công viên hàng me. Đó là một trong hai công viên được xây dựng vào thập niên 80 của thế kỷ XX. Có thể gọi đó là hai công trình vui chơi công cộng đồ sộ nhất của chế độ mới cho thủ phủ tỉnh Minh Hải. Công viên khánh thành xong thì Noel tới, nam phụ lão ấu từ trong quê lên, dân thị xã đổ ra chen chân không lọt, các băng đá ngồi chen chúc kín người, các dịch vụ ăn uống, chụp ảnh dạo nở rộ… vui đến nức lòng. Họ vui cũng phải vì hồi đó thiếu cái để vui, để mở hội, tựu trung là thiếu văn hóa để hưởng thụ. Cơ khổ, sau Noel đó thì công viên biến thành nơi làm ăn của bọn con buôn, bán đồ lậu như quần áo cũ, thuốc lá và nhiều nhất có lẽ là gái ăn sương. Mà họ đông lắm, khi đêm xuống, dưới ánh đèn công viên, họ lộng lẫy như hoàng hậu nhưng ban ngày họ trải chiếu dưới gốc me ngủ gật ngủ vùi, son phấn rẻ tiền trôi hết, mặt mày hốc hác trông mà phát hãi. Không chỉ gái ăn sương mà kẻ trộm cũng nhiều, sơ sẩy là họ lẻn vào cơ quan lấy sạch mùng mền. Tôi đã từng là nạn nhân của họ (bị lấy cái mùng), phải ngủ “đậu” 3 tháng với Võ Đắc Danh để chờ má tôi chắt mót mua cho cái khác, nói ra thì thành kẻ phản bội, mà không nói thì uất ức gần 40 năm qua. Ngủ với Võ Đắc Danh tôi khổ lắm. Nó có cái tật nhậu say về nằm ngửa rồi phun nước bọt  bay bổng lên không, tôi phải nằm xoay đầu ngược lại cho giò cẳng chịu đựng trận mưa nước bọt của nó.

Nhớ một đêm, tôi cùng họa sĩ Doãn Binh tình cờ đi vệ sinh cùng lúc, Binh hô toáng lên: “Trong nhà bếp có kẻ trộm”. Rồi nó chụp cây củi ném vào, tôi bật công tắc điện lên thì phát hiện một người đàn ông chừng 40 tuổi, gầy gò xanh xao, ông ta thều thào: “Tôi đói quá!”. Thì ra ông ta lẻn vào để ăn trộm cơm nguội của chị Hiếu. Từ trong miệng ông ta rơi ra những hạt cơm đầy máu do cây củi của Doãn Binh ném trúng mồm. Tôi rụng rời, dù biết Doãn Binh vô tình, nhưng đó là nhát dao của niềm đau nhân thế cắm vào tim tôi đến hết cuộc đời. Tôi cũng xuất thân từ kiếp nghèo, đời đã tặng tôi một dấu ấn để mãi khôn nguôi về kiếp nghèo.

Bạn đọc thân mến, xin cho tôi được phép dài dòng một chút về Báo Minh Hải trong quyển sách này, vì nếu không làm việc ấy tôi cảm thấy mình chưa phải đạo.

Năm ngoái tôi và anh Bảy Chánh (Nguyễn Minh Chánh, nguyên Tổng Biên tập Báo Bạc Liêu, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Bạc Liêu) âm thầm về Cà Mau để đi dự một bữa tiệc rất thân mật. Chúng tôi đi mang theo một ít quà quê để góp cho bữa cơm thêm phần ý nhị. Đó thật sự là bữa cơm ý nhị nhân cái sự kiện anh Bé (Nguyễn Bé, nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau) được bầu vào Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam và hiện nay đang làm Phó Chủ tịch phụ trách phía Nam. Bữa cơm mừng ấy chính tôi đề xuất. Làm sao mà không mừng cho được, khi thời trai trẻ tôi và anh Bé ở chung cơ quan gần 20 năm và đến nay đã gần 20 năm xa nhau vẫn giữ được mối giao tình. Còn anh Bảy Chánh vốn là thủ trưởng, người đề xuất anh Bé từ Phó phòng lên Phó tổng Biên tập báo. Chúng tôi không mừng anh Bé thăng quan tiến chức mà mừng anh em của mình vừa được trưởng thành hơn, đặc biệt lại trưởng thành trong nghề báo chí, một nghề gắn bó suốt cả đời tôi, một nghề mà nếu có kiếp sau tôi xin lại được làm.

Còn anh Bé thì ở thế bị động nên lúng túng, gọi điện thoại cho mấy anh em thân thiết trong nghề, nói không rõ lý do của bữa tiệc: “Có anh Bảy, Tư Nghĩa xuống, lại chơi tụi bây ơi”.

Bữa cơm dọn ra trong một không gian đầm ấm. Tôi điểm mặt thực khách gồm: Anh Bảy Minh (Phạm Văn Tri, Quyền Tổng Biên tập Báo Minh Hải, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Cà Mau nhiệm kỳ trước anh Bé). Anh Bảy Chánh phải giới thiệu thêm, thời Minh Hải là Tổng Biên tập Báo Minh Hải, anh Nguyễn Bé, anh Phi Thường (Phạm Phi Thường, thời Minh Hải là Phó Phòng VH-XH Báo Minh Hải, hiện là Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam, khu vực Cần Thơ); Đỗ Kiến Quốc, Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau, thời Minh Hải là phóng viên Báo Minh Hải; Nguyễn Chiến, Tổng Biên tập Báo Cà Mau, trước là phóng viên Báo Minh Hải, ngoài ra còn có hai kẻ ngoại đạo, không dính líu gì đến làng báo nhưng chơi thân với chúng tôi từ 40 năm trước đến nay, các anh gắn bó nếm trải với chúng tôi, với đời sống báo chí Minh Hải rồi Bạc Liêu, Cà Mau không khác gì người trong nhà, đó là Trần Thanh Quang, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Bạc Liêu, Nguyễn Khánh Hồng, Trưởng phòng VH-VN Ban Tuyên giáo tỉnh Cà Mau.

Anh Phi Thường xúc động, bảo: “Đây là cuộc họp mặt lịch sử!”. Vâng, anh Thường nói đúng, mỗi người chúng tôi được giao một chức phận, ai cũng lặn lội lo toan vì chức trách của mình, hiếm khi có dịp mà ngồi với nhau đông đủ thế này. Và chúng tôi chợt giật mình, đa số những người ngồi đây đều xuất thân từ Báo Minh Hải - một cơ quan báo chí bình thường, tỉnh nào cũng có, vậy mà nó rèn luyện, cho ra lò một thế hệ các nhà báo rất lạ. Tôi đã khảo sát sơ bộ ở ĐBSCL này ít thấy cái lò nào lạ như cái lò báo chí Minh Hải. Đa số những người làm báo trực tiếp tại Báo Minh Hải nếu không nổi tiếng thì cũng làm lãnh đạo. Báo Minh Hải đã rèn ra 3 nhà văn Việt Nam (Võ Đắc Danh, Bích Ngân, Phan Trung Nghĩa); 8 ông Tổng Biên tập (Phạm Văn Tri, Nguyễn Minh Chánh, Phan Anh Tuấn, Lê Đức Khanh, Sáu Thi, Nguyễn Duy Hoàng, Nguyễn Bé, Nguyễn Chiến); 3 ông Phó tổng Biên tập (Chí Thành, Lê Hiền, Ngô Hải); 2 ông Giám đốc Đài PT-TH (Đỗ Kiến Quốc, Phạm Phi Thường); 4 ông Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh (Đỗ Kiến Quốc, Ngô Hải, Phan Trung Nghĩa, Nguyễn Thanh Sơn); một ông Chủ tịch Hội VH-NT (Trần Chí Thành) và rất nhiều nhà báo thành danh khác cho báo chí miền Nam như: Võ Đắc Danh, Hồng Hạnh, Trần Đại Dương, Đào Hoàng Kiền, Doãn Binh, Đỗ Mỹ Phượng, Trần Thành Nên, Ung Ngọc Quân, Nguyễn Thái Nguyên, Đặng Huỳnh Lộc, Tiến Hưng, Lê Hiền, Lê Việt Quân…

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.