Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Sáu, 26/02/2021 | 15:07

(tiếp theo số báo 3431)

Ảnh minh họa: T.L

Lại nói về anh Bảy Chánh. Hồi xưa anh Bé gặp một sự cố bị trọng thương, sáng sớm anh vô cơ quan, Tổng Biên tập Nguyễn Minh Chánh kêu vén áo lên cho anh xem, nhìn vết thương sâu hoắm trên lưng anh Bé, anh Bảy bật khóc. Giọt nước mắt ấy cho ta biết nó có niềm đau của thủ trưởng lẫn niềm đau của cha anh nên nó mới bật ra nhanh chóng và sâu nặng như thế.

Chúng tôi về với chiếc nôi Báo Minh Hải từ thời trai trẻ, quá ngây thơ trong chốn trường đời, cho đến hôm nay có thể nói rằng tất cả những người thuộc thế hệ thứ hai, sau chiến tranh ngồi đây và gần như tất cả những người viết báo ở Báo Minh Hải đều trưởng thành. Đó là công lao rèn luyện giáo dục của Đảng, của cách mạng mà hiện thân là hai ông già ngồi điềm tĩnh như hai cây đại thụ kia. Mỗi một ông có một thế mạnh, một sở trường. Họ đã song hành, nối tiếp bổ sung cho nhau mà dạy dỗ chúng tôi. Vì thế mà chúng tôi lĩnh hội được rất nhiều thứ. Anh Bé làm lãnh đạo báo chí trình độ cỡ nào thì tôi chưa nghiên cứu. Có một điều xin được nêu ra: Khi nhìn anh đề xuất xây tượng nhà báo liệt sĩ - Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân (LLVTND) Nguyễn Mai trong khuôn viên Báo Cà Mau, rồi anh lặn lội đi sưu tầm tài liệu, quan hệ, đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền để phong Anh hùng LLVTND cho nhà văn - nhà báo Lê Vĩnh Hòa, là tôi nhìn ra phẩm chất của nhà lãnh đạo lẫn một con người thấm nhuần văn hóa truyền thống trong con người anh Bé. Đó là nhân cách có trước có sau, rất dễ thu phục nhân tâm. Đầu năm 2019, tôi được Hội Nhà báo Việt Nam mời lên TP. Hồ Chí Minh dự cuộc gặp mặt đầu năm phía Nam của Hội. Trong cảm nghĩ của tôi đó là một cuộc gặp mặt trang trọng, phát động được khí thế mà cũng rất thâm tình. Nhìn ở đâu cũng thấy bạn bè, họ họp mặt rồi liên hoan thật vui, như về với mái nhà chung của mình. Đây là công lao của anh Bé.

Cái đạo lý, cái nhân văn len lỏi trong từng hoạt động cách mạng của anh Bé. Bởi thế cái hoạt động ấy rất tròn trịa, nghĩa tình. Khi anh Bé về Trung ương, những người kế cận của anh hoàn toàn đã được bổ nhiệm thay thế. Đó là Đỗ Kiến Quốc - Giám đốc Đài PT-TH tỉnh Cà Mau, Nguyễn Chiến - Tổng Biên tập Báo Cà Mau, Thanh Dũng - Chủ tịch Hội Nhà báo Cà Mau. Cha anh Bé hy sinh từ khi anh còn nhỏ xíu, mẹ lại thoát ly xa gia đình, từ rất sớm anh Bé đã ở với cách mạng, phẩm chất này chắc chắn là anh lĩnh hội từ Đảng, cách mạng, từ cuộc đời và từ hai ông già ngồi đây.

Tôi đã nhiều lần nói và ngay cả bữa cơm ấy tôi tiếp tục nói, rằng: “Anh Bảy Minh dạy tụi mình làm nghề báo, còn anh Bảy Chánh dạy mình làm chính trị”. Và lần nào thì tôi cũng nhận được sự đồng cảm gần như tuyệt đối. Và một điều quan trọng cần phải hiểu rằng, đối với báo chí cách mạng, thiếu một trong hai thứ ấy là hỏng cả.

Chính vì điều này mà khi nghe anh Bé, anh Phi Thường nói có một người viết kịch bản cho một bộ phim tài liệu nghệ thuật về anh Bảy Minh và các anh dự tính sẽ làm, thì tôi băn khoăn. Làm phim về anh Bảy Minh, một cây đại thụ trong chiếc nôi báo chí Minh Hải đối với tôi thì không có gì phải bàn, nhưng cái phải bàn là còn các anh khác thì sao, chiếc nôi Báo Minh Hải thì sao. Nó chính là 3 mắt xích xâu chuỗi làm nên chiếc nôi báo chí đặc biệt, không thể tách rời của vùng bán đảo Cà Mau. Tại sao chúng ta không xây dựng một bộ phim dài hơn, có thể 2 - 3 tập để làm rõ chiếc nôi này và qua đó nêu bật được vai trò của anh Bảy Minh và cả anh Bảy Chánh. Khi tôi nói ý tưởng này ra, thì các anh đồng tình và giao tôi viết kịch bản. Tôi nhận lời và sau đó lập tức thấy lo. Công lao đóng góp quá nhiều, tình cảm anh em chan chứa sâu nặng mà hiểu biết của mình thì có hạn, không khéo sẽ mang tội với nghề, với chiếc nôi sinh ra thân phận hôm nay của mình.

Ngoài chiếc nôi Báo Minh Hải ra, thì báo chí vùng bán đảo Cà Mau này cũng có lịch sử vận động đặc biệt. Đó là một lịch sử được khai triển trên một vùng đất có lịch sử vận động đặc biệt, có truyền thống văn hóa, rồi nhiều lần chia tách, sáp nhập. Người ở Cà Mau lên Bạc Liêu làm báo, người Bạc Liêu lên Sóc Trăng làm báo và người làm báo trên địa bàn Cà Mau cũng như người làm báo cho Bạc Liêu. Thế nên địa bàn mở rộng, kinh nghiệm trao truyền rộng. Nhiều sự kiện, khúc quanh lịch sử báo chí vùng bán đảo Cà Mau đã được kết tinh thành văn hóa. Chúng ta có ít nhất 3 nhà báo là anh hùng liệt sĩ như: Phan Ngọc Hiển, Trần Ngọc Hy và Nguyễn Mai, chúng ta có những nhà báo là nhân vật lịch sử như: Lê Trung Nghĩa, Cao Triều Phát.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.