Nhà văn Phan Trung Nghĩa: “Nhà văn được nhào nặn ra bởi lao động khổ sai và sự thiên phú”

Thứ Hai, 30/11/2020 | 16:25

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa bế mạc thành công tốt đẹp. Nhà văn Phan Trung Nghĩa, đại biểu chính thức duy nhất của tỉnh Bạc Liêu đã dành cho phóng viên Báo Bạc Liêu cuộc trao đổi để chia sẻ kết quả của Đại hội, cũng như giải đáp những vấn đề trong việc kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở tỉnh Bạc Liêu.

Nhà văn Phan Trung Nghĩa. Ảnh: do nhân vật cung cấp

PV: Là đại biểu chính thức của Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam khóa X, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vừa diễn ra tại Hà Nội, xin nhà văn thông tin đôi nét về Đại hội. Và theo nhà văn, có những tín hiệu mới gì cho phong trào văn học cả nước từ kết quả Đại hội khóa X?

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Tính cả Đại hội khóa X này, tôi đã dự 4 kỳ đại hội. Với tôi, Đại hội khóa X có mấy điều khá mới. Một là: đây là một đại hội nghiêm túc, “hiền lành”, không thấy có điều tiếng. Hai là: lần đầu tiên trong lịch sử các Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam bầu đủ số lượng, cơ cấu (các đại hội trước Ban Chấp hành (BCH) dự kiến từ 11 - 13 người, nhưng vô bầu thực tế chỉ đạt 5 - 6 người, lần này BCH dự kiến 11 người thì bầu đủ). Ba là: đây là một cuộc chuyển giao thế hệ của cơ quan lãnh đạo Hội Nhà văn, Chủ tịch cũ là nhà thơ Hữu Thỉnh đã thôi ứng cử, thay vào đó là nhà thơ Nguyễn Quang Thiều làm Chủ tịch khóa mới. Tôi nghĩ những điểm mới này đều liên quan đến phong trào văn học trong nhiệm kỳ mới.

PV: Thưa nhà văn Phan Trung Nghĩa, căn cứ Quyết định số 69/2005 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc phê duyệt Điều lệ (sửa đổi) Hội Nhà văn Việt Nam thì“Những tác giả quốc tịch Việt Nam có tác phẩm đã in, được đánh giá có giá trị văn học, tán thành Điều lệ Hội, đều có thể xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam” (Điều 9) và “Người muốn gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam phải gửi đến Hội: Đơn xin gia nhập Hội; Lời giới thiệu của 2 hội viên Hội Nhà văn Việt Nam; 2 tác phẩm văn học đứng tên riêng xuất bản thành sách” (Điều 10).

Vậy theo tôi được biết thì Bạc Liêu có một số hội viên ở Chi hội Văn học (thuộc Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh) đã có tác phẩm văn học xuất bản thành sách thì tại sao vẫn chưa kết nạp họ được?

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Hội Nhà văn là một Hội nổi tiếng đề cao chất lượng gắt gao trong việc xét kết nạp hội viên mới. Ai vào Hội rồi thì mới chính thức được thừa nhận là nhà văn. Cho tới thời điểm này, Hội chỉ bảo toàn số lượng hơn 1.100 người, suốt nhiệm kỳ 5 năm qua, chỉ kết nạp hơn 50 người. Ngoài 2 đầu sách in riêng như nói trên thì tác phẩm đó phải ẩn chứa một tài năng văn chương thật sự. Đọc tác phẩm của họ, ta nhận ra một tiềm năng văn chương của tương lai. Và tài năng, tiềm năng này được đánh giá, nhìn nhận bởi một quy trình rất nghiêm ngặt của nhiều cá nhân, tổ chức.

Trước tiên là bản thân của người viết, anh ta phải tự thấy mình thật sự đủ tài năng của một nhà văn Việt Nam tương lai chưa, rồi tự làm đơn xin gia nhập Hội; đồng thời “bạn đọc nhân dân” cảm nhận tác phẩm họ để tạo ra dư luận tác phẩm. Đây là yếu tố rất quan trọng để các tổ chức, cá nhân xét kết nạp hội viên Nhà văn Việt Nam lấy đó làm chuẩn mực. Thứ hai là 2 nhà văn giới thiệu, 2 người này cũng phải làm nhiệm vụ thẩm định một cách có lương tâm rồi mới cấp cho người xin vào Hội 2 “tấm vé thông hành”. Sau đó hồ sơ được gửi lên Ban liên lạc các vùng miền, ở ta thì gọi là “Ban liên lạc Hội Nhà văn Việt Nam tại Đồng bằng sông Cửu Long” do nhà văn Vũ Hồng, Ủy viên BCH Hội Nhà văn Việt Nam làm Trưởng ban. Ban này có nhiệm vụ rà soát thủ tục, đánh giá sơ bộ rồi gửi về Ban công tác hội viên của Hội Nhà văn Việt Nam xem xét và trình cho Hội đồng văn xuôi (nếu người viết chuyên thơ thì trình Hội đồng thơ). Hội đồng này gồm những “cây cao bóng cả”, họ phải đọc tác phẩm của người xin vào Hội để cho ý kiến cá nhân và Ban công tác hội viên tập hợp, trình cho BCH Hội Nhà văn Việt Nam, đây là tổ chức có quyền quyết định và họ chỉ quyết định việc kết nạp hội viên mới mỗi năm một lần. Tôi nhớ, trong tỉnh, chỉ có một lần tôi được một người làm thơ, là hội viên Chi hội Văn học Bạc Liêu - anh Lâm Tẻn Cuôi nhờ làm một trong 2 người giới thiệu hồ sơ xin vào Hội của anh. Thấy anh làm thơ một cách tâm huyết, chân thành yêu thơ, tôi chẳng những giới thiệu mà còn kết nối nhà thơ Hồ Thanh Điền ở tỉnh An Giang làm người giới thiệu thứ hai cho anh. Tiếc là trải qua nhiều năm, Hội đồng thơ và BCH Hội Nhà văn Việt Nam vẫn chưa cho phiếu thuận, thì anh đã qua đời cách đây vài năm.

PV: Chi hội Văn học Bạc Liêu nhiều năm nay chỉ mới có một hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, vậy thì trách nhiệm phát triển hội viên Hội Nhà văn Việt Nam thuộc về ai? Việc không kết nạp thêm hội viên cấp Trung ương vô hình trung làm cho phong trào sáng tác văn học cứ trong tình trạng âm ỉ, và thậm chí có khi còn lắng xuống. Vậy theo nhà văn, với tư cách là hội viên Trung ương, thì giải pháp nào để sắp tới Bạc Liêu sẽ có thêm hội viên Hội Nhà văn Việt Nam?

Nhà văn Phan Trung Nghĩa: Tôi xin nói ngay, trách nhiệm kết nạp hội viên mới là của Hội Nhà văn Việt Nam, với cách tổ chức mà tôi vừa nêu trên. Còn Chi hội Văn học nói riêng, Liên hiệp Hội VH-NT tỉnh nói chung không có chức năng giới thiệu kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, mà chỉ tập hợp, tạo điều kiện cho hội viên của mình sáng tác, nâng cao tay nghề để dần đủ điều kiện mà tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội. Cũng có vài trường hợp Hội Nhà văn Việt Nam chủ động đề nghị hội viên địa phương hoặc cây viết nào đó làm thủ tục gia nhập Hội. Nhưng đó thường là “hiện tượng văn học”, ở khu vực ta có Nguyễn Ngọc Tư là một thí dụ.

Ở Bạc Liêu không có thêm nhà văn nữa thì cũng thiệt thòi. Nhà báo hỏi tôi giải pháp nào để Bạc Liêu có thêm nhà văn nữa thì tôi cố gắng trả lời. Nhiều năm qua, tỉnh cũng rất quan tâm đến VH-NT, trong đó có lĩnh vực văn thơ. Theo đó, Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh, Chi hội Văn học, ít nhiều gì cũng tạo điều kiện sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ tương lai. Đây cũng là một giải pháp thúc đẩy, rút ngắn khoảng cách từ người viết cho đến nhà văn được công nhận. Theo tôi, nhà văn được nhào nặn ra bởi lao động khổ sai và sự thiên phú, nói nôm na là “trời cho”, trong đó có truyền thống gia đình, ông bà cha mẹ, có làng quê thời tấm mẳn, có tâm hồn Bạc Liêu. Ta cứ viết đi, bằng những cảm hứng thiết tha, bằng lao động nhiệt thành về quê cha đất mẹ đầy ray rứt của mình rồi một ngày đẹp trời sẽ đến. Ông bà xưa nói “Hữu xạ tự nhiên hương” đó thôi.

PV: Xin cảm ơn nhà văn!

Cẩm Thúy (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.