Phát huy văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch

Thứ Tư, 16/05/2018 | 15:26

Mặc dù là vùng đất có thế mạnh đa dạng về du lịch, nhưng Bạc Liêu vẫn gặp khó trong việc làm vấn vương du khách bằng yếu tố ẩm thực. Trong khi đó, xu hướng phát triển du lịch hiện nay bắt đầu đề cao hơn vai trò của đặc sản vùng miền. Thực tế đã chứng minh, những địa phương khai thác tốt giá trị của ẩm thực sẽ góp phần giúp ngành Du lịch tăng trưởng nhanh về doanh thu, cải thiện đời sống cho người dân. 
Theo thống kê, lễ hội Bánh dân gian Nam bộ lần thứ 7 - Cần Thơ 2018 đã thu hút hơn 500.000 lượt khách, mang về doanh thu khoảng 250 tỷ đồng. Đây là một dẫn chứng tiêu biểu nhất về cách tận dụng và khai thác tối đa giá trị của văn hóa ẩm thực trong phát triển du lịch. Ngoài TP. Cần Thơ, hoạt động du lịch của nhiều địa phương khác trong khu vực ĐBSCL như: Vĩnh Long, An Giang, Tiền Giang, Bến Tre… cũng đang diễn ra sôi nổi và “ăn nên làm ra” nhờ việc đầu tư, gắn kết ẩm thực với các loại hình du lịch: tham quan, tâm linh, nghỉ dưỡng, vui chơi - giải trí.
Bài học từ cách làm du lịch của tỉnh bạn đặt ra một câu hỏi: vì sao một Bạc Liêu giàu bản sắc văn hóa, sản phẩm du lịch phong phú nhất vùng lại chưa thể phát huy giá trị của ẩm thực? Trước hết cần nhìn nhận, các cơ sở, hộ gia đình sản xuất và kinh doanh ẩm thực ở Bạc Liêu đa số có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, chỉ dừng ở mức độ mua bán hàng ngày hoặc theo mùa vụ. Do đó, chưa thật sự quan tâm đầu tư đến các vấn đề chứng nhận thương hiệu, nhãn mác, xây dựng mẫu mã hàng hóa, cải thiện chất lượng sản phẩm… Trong khi tâm lý của du khách đặc biệt quan tâm đến những yếu tố này nên chưa thể hài lòng với các sản phẩm, hàng hóa phục vụ du lịch.

Giới thiệu ẩm thực tại Ngày hội VH-TT&DL đồng bào Khmer Nam bộ - Bạc Liêu 2017. Ảnh: H.T
Ngoài ra, Bạc Liêu chưa xây dựng được điểm dừng chân quy mô lớn như ở một số tỉnh, thành trong khu vực nên không thể tập trung các sản phẩm, hàng hóa, đặc sản ẩm thực để giới thiệu, mua bán. Đặc biệt, các cơ sở, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh những mặt hàng liên quan đến ẩm thực chưa được hỗ trợ để quảng bá, giới thiệu những sản phẩm, đặc sản mới.
Với đặc điểm là địa phương có bản sắc văn hóa phong phú, Bạc Liêu không thiếu những món ăn ngon, độc đáo để đáp ứng nhu cầu của du khách. Chẳng hạn, về thức ăn có các thương hiệu: bún bò Huế - Tự, bún bò cay Ánh Nguyệt…; về bánh có: bánh in, bánh xèo, bánh gừng - bánh ớt, bánh củ cải tiều...; về đặc sản có thể kể đến: dưa bồn bồn, nhãn, muối và các loại thủy sản. 
Vậy để khai thác ẩm thực trong phát triển du lịch, Bạc Liêu cần đầu tư hơn nữa cho công tác quảng bá, giới thiệu văn hóa ẩm thực tại các sự kiện về du lịch trong và ngoài tỉnh; tổ chức quy hoạch sản phẩm du lịch gắn với ẩm thực, trong đó quan tâm đến chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động và hướng dẫn các cơ sở, hộ gia đình thiết kế nhãn hàng, chứng nhận thương hiệu sản phẩm; nghiên cứu có chính sách hỗ trợ để mỗi cơ sở chuyên sản xuất một sản phẩm chủ lực nhưng đủ sức cạnh tranh với thị trường trong khu vực. Một giải pháp khác là sớm xây dựng phố đi bộ của tỉnh để thu hút, tập hợp người dân mua bán, giới thiệu các đặc sản đặc trưng, từng bước hình thành một địa chỉ độc đáo về du lịch ẩm thực. 
Ngoài việc khám phá, tìm hiểu những địa danh nổi tiếng, du khách cũng mong muốn được trải nghiệm và thưởng thức ẩm thực để hiểu hơn về bản sắc văn hóa đặc trưng, sự khác biệt độc đáo của mỗi vùng miền. Theo các chuyên gia về du lịch, xu thế phát triển du lịch trong tương lai sẽ ngày càng đề cao vai trò của ẩm thực. Do vậy, việc sớm triển khai các giải pháp đầu tư cho ẩm thực không chỉ giúp du lịch Bạc Liêu có sức hút nhiều hơn đối với du khách, thúc đẩy sự phát triển doanh thu dịch vụ, thực hiện tốt phương châm “nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch”, mà còn góp phần quảng bá, bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống của quê hương.
HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.