Rần rần trào lưu “đi chữa lành” trong giới trẻ

Thứ Sáu, 12/04/2024 | 15:29

Gần đây, không riêng gì các diễn đàn mạng xã hội, mà trong những buổi cà phê, họp nhóm tán gẫu, cụm từ “đi chữa lành” trở nên phổ biến và là câu cửa miệng mỗi khi giới trẻ gặp chuyện không hài lòng. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như đây là cách hay để người trẻ nhận diện đúng tình trạng của bản thân, tìm cách tháo gỡ, đằng này nhiều bạn lại bị ảnh hưởng nặng từ mạng ảo và “làm quá” câu chuyện của chính mình.

“Đi chữa lành” khi… chưa kịp tổn thương

Chị T.K.V (Phường 3, TP. Bạc Liêu) kể, chị có nhỏ em bạn dì chưa lập gia đình, hiện làm tư vấn viên cho một công ty bảo hiểm. Mấy tháng trời không thấy hẹn hò, rủ rê cà phê, vậy rồi tuần trước chị đột nhiên nhận được điện thoại của nhỏ em. Đầu dây bên kia than thở đủ điều, nào là cuộc sống này quá mệt mỏi, công việc thì áp lực vì chạy chỉ tiêu, đã vậy lâu lâu ba mẹ còn gọi lên hối thúc chuyện lập gia đình… khiến em ấy cảm thấy chán ngán cuộc sống, bị tổn thương và muốn đi du lịch đâu đó một thời gian. Nhưng sau một tràng dài than van đó là cái kết khiến chị “bật ngửa”, khi cô em ấy ngỏ ý mượn chị khoảng 30 triệu đồng để “đi chữa lành”.

Theo chị V., cô em Gen Z của mình có điều kiện kinh tế gia đình khá giả, không phải gánh nặng chuyện tiền nong, gia đình, công việc có thu nhập cũng khá nên chi tiêu rất mạnh tay. Điều đáng nói là cô nàng hay làm quá mọi chuyện, luôn suy nghĩ mọi thứ theo chiều hướng tiêu cực, nên luôn cảm thấy bản thân bị tổn thương dù là chuyện chẳng đáng gì.

Có không ít trường hợp Gen Z xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, mưu sinh bằng đủ nghề để được tiếp tục con đường học vấn, cứ nghĩ họ sẽ gai góc, mạnh mẽ đạp bằng mọi chông gai, không có tổn thương nào cần phải “chữa lành”. Nhưng bất ngờ là họ lại “tích cực” than vãn, tìm mọi cách để gia nhập các lớp, hội nhóm “chữa lành” trên mạng xã hội.

Cũng có không ít trường hợp chạy theo trào lưu, tìm một góc thật chill để sống ảo, rồi đăng ảnh thở than lên mạng xã hội về cuộc sống không như ý, bị tổn thương và đang ở một nơi nào đó để tự “chữa lành”. Khi bạn bè, người thân sốt vó lo lắng, gọi điện hỏi han, động viên thì bảo mình đăng cho vui, cho có cái để gọi là… theo phong trào!

Du lịch một mình là cách người trẻ chọn để “chữa lành” tổn thương. Ảnh minh họa: Đ.K.C

Người trẻ đang thiếu công cụ quản lý cảm xúc?!

Bên cạnh việc “ăn theo”, hưởng ứng phong trào, lấy cớ để được nghỉ ngơi, biện giải cho sự lười nhác lao động, chỉ thích hưởng thụ, thì vẫn có một bộ phận người trẻ rất dễ tổn thương, không thể làm chủ cảm xúc của chính mình. Họ dễ bị tác động, lung lay, thậm chí dẫn đến bế tắc khi bản thân không đạt được điều mong muốn. Bởi vậy, gần đây trên các diễn đàn mạng xã hội và ngoài đời xuất hiện càng nhiều các khóa học “chữa lành”. Điều đáng nói là 2/3 trong số học viên ghi danh lại chính là giới trẻ. Đương nhiên, không ai rảnh mà đi “chữa lành” dùm người khác, chi phí của các chương trình học ấy không hề nhỏ. Dù ở Bạc Liêu chưa thấy xuất hiện các lớp học này, nhưng theo dõi một số hội nhóm “chữa lành” trên mạng, có không ít tài khoản có địa chỉ ở Bạc Liêu.

Điều lạ đời ở chỗ chẳng thấy người trẻ bị bệnh tật hay mệt mỏi gì, thậm chí có bạn đang là sự mệt mỏi của cha mẹ, gia đình vì thất nghiệp, lười lao động nhưng lại thấy mình bị tổn thương, phải được “chữa lành”. Đây không phải là bệnh tật, mà là một biểu hiện đáng quan ngại của việc thích sống theo xu hướng, tự huyễn hoặc bản thân bị những tổn thương không hề có từ thực tế.

Ở độ tuổi căng tràn nhiệt huyết, bừng bừng tinh thần vượt khó, tìm tòi sáng tạo, khát khao lập thân, lập nghiệp, lẽ ra người trẻ phải “bùng nổ” để khẳng định bản thân, đằng này nhiều bạn trẻ lại mang tâm lý chán chường, mệt mỏi, muốn rút lui rồi tự thấy bản thân có bệnh, cần được “chữa lành”…

Có thể nói, đây không chỉ là xu hướng tiêu cực, tác động lớn về nhận thức, lối sống mà giới trẻ cần tránh xa. Bởi, một khi bạn bị cuốn theo trào lưu này sẽ hình thành lối sống thụ động, nhụt ý chí, chỉ thích sống ảo, hưởng thụ và hoàn toàn không phản ánh được đời sống thật của phần lớn người trẻ tích cực, có khát khao vượt lên hoàn cảnh sống để khẳng định bản ngã riêng. Điều quan trọng là các bạn trẻ phải tập làm chủ cảm xúc, hình thành các kỹ năng quản lý cảm xúc, cùng lan tỏa điều tích cực và phủ xanh cuộc sống bằng những hình mẫu đẹp, có lý tưởng, lối sống lành mạnh.

Mai Khôi

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.