Xuân Ất Mùi 2015

Bạc Liêu xa mấy cũng gần…

Thứ Ba, 03/03/2015 | 15:01

Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn (“Tiếng hát con tàu”- Chế Lan Viên).
Cái tâm hồn ấy làm cho người ta lưu luyến, nhớ nhung… Đất Bạc Liêu? Chỉ là một quê hương trong cái tổ ấm chung của đất nước Việt Nam. Người Bạc Liêu? Thì cũng là một cộng đồng 3 dân tộc anh em Kinh - Khmer - Hoa trong “cái bọc” đồng bào thân thương của đất mẹ…
Thế thì mảnh đất ấy, tình người ấy vì đâu hóa thành thân thương, cấu thành nỗi nhớ riêng tư - đâu chỉ trong tim của những người sinh ra và lớn lên ở đó, mà còn thấm sâu trong cảm nhận của bao người đã từng “đến” rồi… “đi”.

Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu chụp ảnh lưu niệm với đoàn du lịch lữ hành Vietravel. Ảnh: C.T

Đất lạ hóa thân quen

“Xin được cảm ơn quê hương Bạc Liêu, cảm ơn từng hạt muối mặn mà không chát; biển rộng mà vẫn êm và phẳng; biết ơn điệu chèo ghe, lý con sáo; biết ơn những tấm lòng luôn rộng mở, hào hiệp và nghĩa khí để vùng đất này là nơi hội tụ của những tâm hồn, những bản sắc văn hóa đẹp và một lần nữa là nơi vọng lên tiếng trống, tiếng lòng của người nhạc sĩ tài hoa Cao Văn Lầu để cho hôm nay, một Bạc Liêu đang tràn trề tiềm lực và sinh lực, đậm đà dấu ấn, gìn giữ bản sắc của một kho tàng văn hóa âm nhạc bác học dân gian…”, TS-NSND Bạch Tuyết khi về Bạc Liêu, được “sống” trong không gian tràn ngập cảm xúc của nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) trong dịp Festival ĐCTT quốc gia lần đầu tiên tổ chức tại Bạc Liêu đã xúc động tỏ bày như thế. Tiếng lòng của người nghệ sĩ bắt nguồn từ một tầm nhìn, rồi lắng đọng lại trong một trái tim giàu cảm xúc… Một cảm nhận đủ cho ai là người Bạc Liêu phải biết tự hào!

Trong năm, nhà thơ Trần Quang Quý cùng đoàn Hội Nhà văn Việt Nam về Bạc Liêu giới thiệu bộ sách “Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh”, trước diễn đàn, ông bộc bạch: “Bạc Liêu phát triển quá nhanh, như một gương mặt sáng của ĐBSCL. Đặc biệt, tôi cho rằng Bạc Liêu đã trở thành trung tâm ĐCTT Nam bộ, nhất là sau khi Bạc Liêu tổ chức thành công Festival ĐCTT quốc gia vừa rồi, tất cả đã làm thay đổi vị thế của Bạc Liêu. Ánh sáng văn hóa từ những công trình văn hóa làm nên gương mặt Bạc Liêu, sự thay đổi ấy làm chúng tôi cảm thấy xúc động!”.

Trước “lăng kính” công tâm của báo giới, Bạc Liêu cũng có vị trí khá đặc biệt. Chị Dương Thị Thu Thủy, thành viên Câu lạc bộ Phóng viên du lịch TP. HCM chia sẻ: “Tôi đã bị cuốn hút bởi văn hóa Bạc Liêu, cảm động nhất là thái độ chân tình của lãnh đạo tỉnh. Tôi rất xúc động về những thông tin thống kê tỉnh có đến mấy ngàn Mẹ Việt Nam anh hùng, rất nhiều thương binh, liệt sĩ và xúc động với chính sách hỗ trợ đặc biệt của tỉnh dành cho họ…”.

TS-NSND Bạch Tuyết trả lời phỏng vấn báo chí tại lễ khánh thành Khu lưu niệm nghệ thuật ĐCTT Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Ảnh: H.T

“Ngày mai đang bắt đầu từ hôm nay”…

Mà “hôm nay” có được là nhờ sự vun đắp của hôm qua! Tự hào truyền thống - hội tụ văn hóa để phát triển, một Bạc Liêu luôn năng động với khát vọng vươn lên đang là lực hấp dẫn đối với những ai từng đến nơi này!

Truyền thống Bạc Liêu là truyền thống của một quê hương kiên cường, bất khuất. Xin trích ngang một lát cắt lịch sử chống giặc ngoại xâm trên đất Bạc Liêu để minh chứng. Đó là cuộc nổi dậy máu lửa của nông dân trên đất Ninh Thạnh Lợi năm 1927, trận chiến đồng Nọc Nạng năm 1928 - những sự kiện chấn động lục tỉnh Nam kỳ nói riêng và cả nước nói chung, trước khi Đảng ra đời! Đó là tinh thần đấu tranh không khoan nhượng trong cái khí tiết chung của đồng bào Việt Nam, những người “thuốc súng kém, chân đi không, mà lòng người giàu lòng vì nước”. Lòng yêu nước đã thấm nhuần như chính mạch máu cuộn chảy trong tim mỗi người con đất Việt. Và trong trái tim người Bạc Liêu còn cộng thêm lòng khoan dung, nhân hậu để riêng có một Bạc Liêu “ngày của tình người, ngày hội non sông” - để rồi giành chính quyền từ tay giặc không có tiếng súng, không giọt máu rơi, tái hiện những hai lần trong lịch sử…

Trong bom đạn, dưới lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, quyết tâm cao nhất của người dân Bạc Liêu là bảo vệ cho được Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới - 1 trong 6 điểm du lịch tiêu biểu của ĐBSCL. Sự hy sinh của những bà má Châu Thới, những Mẹ Việt Nam anh hùng, tinh thần bất khuất kiên cường của người dân ở một vùng quê nghèo và quyết tâm cao của toàn dân, quân Bạc Liêu đã kết tinh thành một biểu tượng thiêng liêng trên vùng đất Bạc Liêu!

Bạc Liêu tự hào là một trong những “cái nôi quan trọng” của nghệ thuật ĐCTT Nam bộ, di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. 21 tỉnh, thành phố Nam bộ cùng vun đắp để ĐCTT được vinh danh nhưng là “cái nôi quan trọng” vì qua phân tích của giới chuyên môn, Bạc Liêu đã có những đóng góp đặc biệt. Tri ân và gìn giữ, Bạc Liêu đã xây dựng một “thánh đường nghệ thuật ĐCTT” riêng có trên đất nước Việt Nam!

Một “Bạc Liêu ngày ấy” đã trở thành hành trang để Bạc Liêu hôm nay và ngày mai tự tin, vững bước đi lên. Và hành trang ấy cũng đã hun đúc nên bản sắc văn hóa Bạc Liêu, tạo thành sức hấp dẫn - dịu dàng mà cuốn hút như nét duyên ngầm của cô gái Bạc Liêu…, khiến ai đến nơi này phải vấn vương, mong được trở về…

Cẩm Thúy

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.