Xuân Đinh Dậu 2017

“Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập” tiêu biểu: Hạt nhân của xã hội học tập

Thứ Năm, 29/06/2017 | 08:13

Xã hội học tập (XHHT) là mô hình của nền giáo dục tương lai thuộc thời hậu hiện đại, tức là nền kinh tế tri thức, xã hội tri thức. Trong xã hội ấy, việc giáo dục suốt đời cho mọi người luôn được ưu tiên hàng đầu. Hòa cùng xu thế đó, Việt Nam nói chung, Bạc Liêu nói riêng đang nỗ lực hiện thực hóa Đề án xây dựng XHHT giai đoạn 2016 - 2020 với “hạt nhân” nòng cốt là các “Gia đình học tập” (GĐHT), “Dòng họ học tập” (DHHT) tiêu biểu.

Đại diện các sở, ngành ký ghi nhớ triển khai phối hợp thực hiện Đề án xây dựng XHHT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Ảnh: Đ.K.C

Dòng tộc họ Trần (phường 7, TP. Bạc Liêu) tề tựu trong ngày mừng thọ Bát tuần của ông Trần Minh Ký. Ảnh: Đ.K.C

Bên tách trà nóng trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối năm, cô Nguyễn Thị Minh Khai (ấp Phước Thạnh, xã Phước Long, huyện Phước Long) bồi hồi nhớ lại những tháng ngày gian khó. Ngày chồng mất, cô một nách 3 con bươn chải với cuộc sống nghèo túng. Đất ruộng ít, tiền bạc không có, cô phải làm thuê, làm mướn để trang trải cuộc sống hàng ngày. Nhiều lúc tưởng không gượng nổi, nhưng nghĩ tới cảnh các con phải bỏ học giữa chừng, tiếp tục cuộc sống đói nghèo trong cái vòng luẩn quẩn vì mù chữ, cô lại động viên bản thân phải cố gắng. Thấm thía nỗi vất vả của mẹ, 3 đứa con của cô đều chăm chỉ học hành, kiên trì vượt khó. Ngoài giờ học, chúng lại đỡ đần cô việc đồng áng, cửa nhà. Khó khăn là vậy, nhưng hầu như năm nào chúng cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi, tiên tiến. Hiện tại, con trai thứ hai của cô đã là kỹ sư điện tử và làm chủ một cơ sở sửa chữa điện thoại di động tại TP. Cà Mau; con gái thứ ba công tác tại Bệnh viện Đa khoa Phước Long và chuẩn bị liên thông lên đại học Dược. Còn con trai út đang công tác tại Công an huyện Phước Long sau khi tốt nghiệp đại học An ninh.

Theo chân chú Danh Sang (Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hồng Dân), chúng tôi đến ấp Tà Ben (xã Ninh Hòa) - một xã có truyền thống hiếu học lâu đời. Và DHHT họ Châu là một trong số đó. Ông Châu Đồng Út (đại diện dòng họ Châu) chia sẻ: “Dòng họ chúng tôi luôn quan tâm và nắm bắt kịp thời những thông tin trên báo đài, tài liệu tuyên truyền của cán bộ khuyến học các cấp về mục đích, ý nghĩa của GĐHT, DHHT. Trên cơ sở đó, ngày 1/1/2003, dòng họ Châu quyết định thành lập Tổ khuyến học dòng họ. Theo đó, quỹ khuyến học của dòng họ cũng hình thành và là điểm tựa cho các con, cháu vượt qua khó khăn, chăm ngoan học giỏi…”. Hiện nay, DHHT họ Châu có 107 thành viên, tất cả đều tốt nghiệp ra trường, có việc làm ổn định hoặc đang theo học tại các trường chuyên nghiệp. Điều đáng khen của con cháu dòng họ này là đôi lúc gặp khó khăn về kinh tế, áp lực trong cuộc sống nhưng chưa bao giờ có trường hợp bỏ học giữa chừng. Có lẽ, chính cuộc họp dòng tộc được duy trì thường xuyên vào mùng 2 Tết hàng năm và nguồn quỹ khuyến học dồi dào đã kịp thời biểu dương, khích lệ cháu con trong dòng tộc quan tâm hơn tới công tác khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng XHHT.

Nói đến phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT không thể không nhắc đến DHHT họ Trần (do ông Trần Minh Ký làm đại diện, phường 7, TP. Bạc Liêu). Dòng họ này khá “nổi tiếng” với bề dày thành tích học tập đáng nể của các thành viên trong dòng họ. Trong đó, có 1 tiến sĩ (nhà giáo ưu tú Trần Công Chánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Bạc Liêu); 5 thạc sĩ; 2 bác sĩ; 15 cử nhân (hiện 3 cử nhân đang du học ở Phần Lan và Anh Quốc); 1 dược sĩ và 8 tú tài. Từ hai nguồn quỹ “Hương hỏa” và “Khuyến học” do hội đồng gia tộc đóng góp, công tác khuyến học, khuyến tài của dòng họ Trần được quan tâm đúng mức. Theo đó, nguồn quỹ này sẽ được chi thường xuyên để hỗ trợ con, cháu gặp khó khăn về chi phí, đồ dùng học tập; khen thưởng trong học kỳ và cuối niên học cho những cá nhân có thành tích xuất sắc. Riêng, những thành viên đỗ cao vào đại học, hội đồng gia tộc sẽ xuất quỹ tổ chức liên hoan lớn để động viên, khích lệ tinh thần.

Song song đó, hàng năm hội đồng gia tộc họ Trần còn tổ chức 3 buổi họp thường niên vào các ngày 1/2, 15/4 và 17/10 âm lịch. Đây là ngày kỵ cơm của các thành viên quá cố trong dòng tộc, cũng là ngày con cháu tề tựu đông đủ nhất trong năm. Khi ấy, bên cạnh việc thăm hỏi sức khỏe, sẻ chia những kinh nghiệm trong học tập, công tác, làm ăn, giáo dục cháu con, thì ông Trần Minh Ký sẽ đại diện hội đồng gia tộc nhắc nhở cháu con chăm lo học tập, trau dồi tri thức, tôn trọng pháp luật… và xem chuyện học vấn chính là bổn phận, trách nhiệm trong việc làm trọn đạo hiếu với tổ tiên, ông bà! Không chỉ vậy, tất cả các thành viên trong dòng họ còn được động viên, khuyến khích và tạo điều kiện phát huy phong trào học tập suốt đời. Từ đó, tỷ lệ người lớn tuổi tham gia học tập thường xuyên, học tập suốt đời dưới nhiều hình thức ngày càng tăng và trở thành những cây cao bóng cả cho con cháu về tinh thần tự học!

Theo Hội Khuyến học tỉnh, toàn tỉnh hiện có 44.353 GĐHT, đạt tỷ lệ 22,54% so với tổng số hộ trong toàn tỉnh. Trong đó, đơn vị phát triển GĐHT nhiều nhất là huyện Đông Hải (31,48%); Hồng Dân (31,18%) và Phước Long (24,46%). Số DHHT là 800 dòng họ. Đây là những gia đình, dòng họ tiêu biểu, giàu nghị lực vượt khó và ý chí vươn lên làm chủ tri thức. Từ những “hạt nhân” nòng cốt này đã góp phần hình thành nên những cộng đồng học tập, XHHT mà trong đó mỗi cá nhân đều tự nguyện học tập suốt đời.

Với việc toàn tâm toàn ý chăm lo sự nghiệp giáo dục, phát huy phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng dân cư, tin rằng Đề án Xây dựng XHHT giai đoạn 2016 - 2020 sẽ gặt hái được nhiều kết quả khả quan hơn nữa.

Chí Phong

 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.