Lực lượng vũ trang tỉnh Bạc Liêu: Tiếp bước các thế hệ đi trước

Thứ Sáu, 01/09/2017 | 16:35

Lực lượng vũ trang (LLVT) tỉnh trong suốt 72 năm qua đã có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, xây dựng quê hương. Trải qua nhiều thế hệ, khác nhau về thời cuộc, tuổi tác, nhưng tất cả cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên quốc phòng thuộc LLVT tỉnh cùng chung một chí hướng, trung thành tuyệt đối với Đảng, phụng sự nhân dân.

Ông Phan Văn Tạng (trái) kể chuyện những năm tham gia kháng chiến chống Pháp và 22 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Huấn luyện chiến sĩ mới ở trung đoàn bộ binh 894 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Ảnh: N.Q

LÊN ĐƯỜNG TÒNG QUÂN

Những ngày tháng Tám lịch sử, một vị cách mạng lão thành từ thời kháng Pháp đã đưa thế hệ trẻ chúng tôi trở về lịch sử qua hồi ức của ông. Trung úy Phan Văn Tạng (Út Tạng) năm nay đã 87 tuổi đời và 55 tuổi Đảng ngồi trong gian phòng nhỏ của nhà mình ở khóm 7 (phường 3, TP. Bạc Liêu), khoác lên mình chiếc áo quân nhân. Đầu năm 1953, trong lúc miền Bắc mở Chiến dịch Đông Xuân, thì các tỉnh Tây Nam bộ bao vây, bức rút hàng loạt đồn bót địch, đồng thời phát động thanh niên tòng quân chuẩn bị tổng phản công. Được Thường vụ Xã đoàn thanh niên cứu quốc Tân Hưng Tây (huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau ngày nay) giác ngộ, Út Tạng xung phong nhập ngũ. Tại lễ phát động tòng quân tổ chức ở ấp Kiến Vàng, Út Tạng dõng dạc tuyên thệ: “Chúng ta có mặt ngoài mặt trận lúc này là một vinh dự lớn!”.

Út Tạng dứt lời, một loạt thanh niên đồng trang lứa xin ghi tên ra trận, đó là Danh Công Đước - người Khmer, Huỳnh Tấn Phát - gia đình có anh Hai là đảng viên, còn anh Ba đã vào bộ đội… Cảm động hơn là bác Tám Chuột đã cao tuổi vẫn đăng ký với quyết tâm: “Cho bác đi tòng quân, cạo đầu bác cũng chịu!”. Sau ngày đó, Út Tạng lên đường nhập ngũ và mãi đến 22 năm sau mới trở về. Trước khi khoác lên vai ba lô con cóc, Út Tạng tham gia du kích xã cùng bộ đội địa phương đánh Pháp. Trận đánh thời du kích mà ông kể đầu tiên và cặn kẽ nhất là trận đồng chí Tào Văn Tỵ (Chủ tịch Ủy ban kiêm Trưởng ban Quân sự) chỉ huy đánh chìm đoàn tàu của địch, gồm 1 tàu kéo, 1 tàu chở quân và 12 chiếc ghe chài chở đầy than đước.

Trong thời gian tại ngũ, ông Phan Văn Tạng tập kết ra Bắc và có thời gian dài công tác tại Bảo tàng Quân đội nhân dân Việt Nam. Không nhiều hình ảnh, hiện vật về quân, dân tỉnh Minh Hải (nay là Bạc Liêu và Cà Mau) tại bảo tàng này, song chúng đều được trưng bày ở nơi dễ quan sát. Đó là hình ảnh địa phương quân đánh địch bằng thủy lôi. Thủy lôi của địch sẽ phát nổ khi gặp vật nổi bằng kim loại, bộ đội ta thu được, chế lại có gắn dây giật kíp nổ để có thể phá hủy cả ghe tàu làm bằng gỗ. Ông Tạng kể lại: “Đến năm 1948 miền Bắc mới đánh giặc bằng thủy lôi, còn ông Tào Văn Tỵ sử dụng cách đánh này từ hồi 1946”. Và bức ảnh thứ hai gây ấn tượng với người xem là hình ảnh về hoạt động tát nước lấy vũ khí trên tàu chiến của địch bị đánh đắm ở kênh Mương Điều (huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau). Hàng ngàn người dân cùng bộ đội đắp 2 vật cản ngang kênh và cầm 500 chiếc gàu sòng tát nước ra ngoài để bộ đội thu lấy chiến lợi phẩm. Bức ảnh đã nói lên tất cả: quân với dân cùng một ý chí!

KHÔNG NGỪNG LỚN MẠNH

Sau đại thắng ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà từng bước khắc phục hậu quả chiến tranh, ổn định tình hình, kiến thiết quê hương. Thế nhưng không lâu sau, tập đoàn phản động Pônpốt-Iêngxari xua quân xâm chiếm các đảo trong vùng biển phía Tây và trên toàn tuyến biên giới Tây Nam của đất nước. Còn ở phía Bắc, quân xâm lược Trung Quốc đã tràn sâu vào lãnh thổ nước ta. LLVT Bạc Liêu lại tiếp tục bước vào trận chiến đấu mới. Đáp lời kêu gọi của Mặt trận đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ tư lệnh Quân khu 9, Đảng bộ, nhân dân Minh Hải đưa hàng ngàn con em mình cầm súng lên đường chiến đấu trong đội hình của Quân tình nguyện Việt Nam thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả. Đã có gần 1.300 người con của Minh Hải ngã xuống trên đất bạn và hơn 4.000 thương binh, bệnh binh. Đây là đóng góp cực kỳ to lớn, vô tư của tỉnh Minh Hải với tỉnh Kokong, góp phần giải phóng nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ và làm nghĩa vụ quốc tế giúp nước bạn, Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà đã được Chủ tịch nước tuyên dương “Anh hùng LLVT nhân dân”. Đây cũng là mảnh đất đã sinh ra 663 Mẹ Việt Nam anh hùng, 40 cá nhân Anh hùng LLVT nhân dân và 12 vị tướng lĩnh Quân đội nhân dân, Công an nhân dân. Tất cả đã tô thắm thêm truyền thống vẻ vang, bất khuất của quê hương. Nhắc đến Bạc Liêu không chỉ có giai thoại Công tử Bạc Liêu, hay vùng đất địa linh đã hội tụ nhiều nhân kiệt, mà còn là quê hương có truyền thống cách mạng, một lòng theo Đảng, lập nên bao chiến công hiển hách cùng cả nước giành lấy độc lập, toàn vẹn lãnh thổ.

Phát huy truyền thống hào hùng của các thế hệ đi trước, LLVT Bạc Liêu hôm nay tiếp tục ra sức học tập, rèn luyện, đoàn kết, thống nhất, xây dựng cơ quan quân sự các cấp vững mạnh toàn diện, củng cố nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, rộng khắp. Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã điều chỉnh lực lượng thường trực về số lượng, bố trí theo đúng kế hoạch phòng thủ, nâng cao chất lượng và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Đồng thời kiện toàn tổ chức biên chế, gắn xây dựng đội ngũ cán bộ với xây dựng đội ngũ đảng viên.

Noi theo bản chất tốt đẹp và truyền thống quyết chiến, quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong điều kiện mới, LLVT tỉnh nêu cao tinh thần cách mạng tiến công, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nỗ lực phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”. Đồng thời ra sức xây dựng LLVT vững mạnh toàn diện, chủ động trong mọi tình huống và chung sức cùng Đảng bộ, nhân dân tạo dựng đô thị văn minh, kiến thiết nông thôn mới.

Nguyễn Quốc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.