An toàn giao thông

Cần giải bài toán hạ tầng giao thông

Thứ Sáu, 13/11/2020 | 15:34

Trong các chuyến làm việc mới đây của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy - Lữ Văn Hùng với các huyện, thị, thành ủy trong tỉnh, vấn đề được các địa phương kiến nghị nhiều nhất đều tập trung về đầu tư hạ tầng giao thông. Theo các huyện, thị xã, khó nói đến chuyện phát triển nếu đường sá không được khơi thông và kết nối!

Dân gian có câu “Đại lộ, đại phú” - có đường lớn ắt sẽ giàu! Thực tế chứng minh, nơi nào có đường rộng, cầu vững, xe thông sẽ có điều kiện tăng tốc phát triển so với những vùng đường nhỏ hẹp, đi lại khó khăn. Và đầu tư hạ tầng giao thông luôn là bài toán cần phải giải quyết hàng đầu để đưa một vùng đất, một khu vực bật lên trên con đường phát triển.

Nhiều năm trước, Bạc Liêu chật vật với việc đầu tư hệ thống giao thông, nhất là đường về trung tâm xã. Còn nhớ đến năm 2014, vẫn còn 13/49 xã trong tỉnh chưa có đường về trung tâm. Với người dân thành thị, chuyện con đường ngập nước đã khổ. Với người dân nông thôn, chuyện không có đường đi, qua sông phải lụy đò hoặc con đường đất đen chỉ đi lại được trong mùa khô dường như đã quá quen thuộc đến nỗi cả tiếng than thở rằng chính sự chia cắt giao thông đó đã làm khó cho người dân phát triển kinh tế cũng “nói hoài, nói mãi” mà vẫn không xong. Nông dân bị thương lái ép giá; học sinh nghỉ học vì đường xa, khó đi; an ninh trật tự không đảm bảo… có bao nhiêu hệ lụy từ việc hạ tầng giao thông chưa được đầu tư đồng bộ và đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Nếu nói Đồng bằng sông Cửu Long là vùng trũng của cả nước thì một trong những nguyên nhân dẫn đến thực trạng này chính là hạ tầng giao thông yếu kém. Người dân than khổ, các cấp chính quyền nắm rõ nhưng nguồn vốn đầu tư thật sự không thể lấp đầy nhu cầu về cầu, đường trong khu vực. Bạc Liêu cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Tuy nhiên, khi phong trào xây dựng nông thôn mới ngày càng lan tỏa sâu rộng và nhận được sự ủng hộ của Nhân dân thì hệ thống giao thông nông thôn đã thật sự khởi sắc. Từ chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” đã làm nên những con đường ấp liền ấp thông thoáng, rộng rãi, kết nối các vùng quê với nhau.

Tuy nhiên, với hệ thống giao thông liên huyện, liên tỉnh thì ngân sách đầu tư từ Nhà nước là chủ yếu. Nếu không có sự phân bổ vốn hợp lý hoặc quyết tâm giải ngân vốn đúng thời hạn, không giải quyết được điểm nghẽn từ giải phóng mặt bằng thì hạ tầng giao thông vẫn sẽ là nút thắt cho phát triển. Và vùng trũng, dù được đầu tư bao nhiêu mà không tính đến giao thông, thì mãi vẫn sẽ là vùng trũng.

N.L

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.