Giáo dục - Học Đường

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành trung tâm học tập cộng đồng ở cơ sở

Thứ Sáu, 18/05/2018 | 16:24

Trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) ở địa phương được ví như “nhà trường của cộng đồng”, là nơi tạo ra cơ hội học tập cho mọi người nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả đạt được, mô hình này vẫn còn tồn tại những hạn chế, bất cập về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động, con người, khâu tổ chức và quản lý… Để củng cố hoạt động các trung tâm, với sự hỗ trợ của Hội Khuyến học Việt Nam, Hội Khuyến học tỉnh vừa tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành TTHTCĐ cho hơn 150 cán bộ khuyến học ở cơ sở.

Các học viên được tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành TTHTCĐ. Ảnh: Đ.K.C

Thực trạng TTHTCĐ hiện nay

Theo Hội Khuyến học tỉnh, toàn tỉnh hiện có 64/64 xã,  phường, thị trấn có TTHTCĐ. Ban giám đốc trung tâm được hưởng chế độ phụ cấp theo mức lương tối thiểu. Trong năm học 2016 - 2017, có 235 cán bộ quản lý/64 trung tâm; 485 báo cáo viên, cộng tác viên và 28 giáo viên biệt phái làm việc tại các trung tâm này.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các TTHTCĐ hầu hết chưa có trụ sở riêng, phần lớn được bố trí 1 phòng đặt ở UBND địa phương, trường học, thiết chế văn hóa, thư viện xã… Năm 2010, các TTHTCĐ được hỗ trợ kinh phí ban đầu từ ngân sách Nhà nước 30 triệu đồng/ trung tâm để mua sắm trang thiết bị (máy tính, bàn ghế, tủ làm việc…). Đến năm 2016, có 33/64 trung tâm kết hợp với trung tâm văn hóa xã, bưu điện, thư viện; có 51 trung tâm có tủ sách riêng. Và hiện tại, kinh phí hoạt động của các trung tâm phụ thuộc vào nguồn đóng góp của các cá nhân, cộng đồng, hoặc tài trợ của các tổ chức kinh tế - xã hội trong và ngoài nước, các đơn vị sản xuất, kinh doanh, các đoàn thể và nguồn kinh phí được giao khi tham gia các chương trình, dự án tại địa phương nên khó có thể phát huy những công năng vốn có.

Ông Võ Thanh Giang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết: “Toàn tỉnh có 12 TTHTCĐ hoạt động tốt, 12 trung tâm hoạt động khá, 31 trung tâm hoạt động trung bình, 9 trung tâm hoạt động yếu. Trong năm 2016, có gần 100 người tham gia chương trình xóa mù chữ và giáo dục tiếp tục sau khi biết chữ; gần 11.000 lượt người tham gia các lớp đào tạo nghề ngắn hạn; 33.869 lượt người tham gia các chuyên đề; 3.679 lượt người được giáo dục kỹ năng sống… tại các TTHTCĐ trên toàn tỉnh. Hầu hết các lớp xóa mù chữ được tổ chức theo cụm, nhóm lớp và được dạy tại các điểm trường tiểu học, trụ sở ấp, nhà dân. Riêng các lớp chuyên đề, học nghề ngắn hạn được tổ chức dưới nhiều hình thức: lớp học, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt câu lạc bộ…”.

Thế nhưng, thực trạng chung của các TTHTCĐ hiện nay là Ban giám đốc đều kiêm nhiệm, thường xuyên thay đổi nên việc điều hành gặp nhiều khó khăn. Vấn đề kinh phí cũng đang là mối lo chung khi các trung tâm không được cấp kinh phí hoạt động từ nguồn ngân sách; việc xã hội hóa để tạo nguồn cũng không dễ dàng nên ảnh hưởng lớn đến kinh phí tổ chức các hoạt động. Đó là còn chưa kể tình trạng thiếu trang thiết bị phục vụ truyền thông, nhiều trang thiết bị hư hỏng, cần sửa chữa. Bên cạnh đó, công tác chỉ đạo của ngành Giáo dục, sự phối hợp giữa ngành với Hội Khuyến học trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả, tổ chức và hoạt động của các TTHTCĐ còn nhiều hạn chế…

Nâng cao năng lực quản lý, điều hành

Với quyết tâm phát huy những hiệu quả đã đạt được, đồng thời từng bước khắc phục những hạn chế, bất cập, nhất là khâu quản lý, điều hành các TTHTCĐ, Hội Khuyến học tỉnh đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực quản lý, điều hành cho cán bộ khuyến học cơ sở với sự hỗ trợ đắc lực của Hội Khuyến học Việt Nam.

Theo đó, tiến sĩ Thái Thị Xuân Đào, Trưởng ban phong trào - Hội Khuyến học Việt Nam đã có buổi chia sẻ xoay quanh 2 chuyên đề: “Quản lý TTHTCĐ - mô hình giáo dục mới” và “Bình đẳng giới và lồng ghép giới trong quản lý, điều hành, tổ chức các hoạt động tại TTHTCĐ”. Trong chuyên đề 1, tiến sĩ Đào đi sâu phân tích về: TTHTCĐ - Xu thế phát triển tất yếu ở các nước trên thế giới, trong khu vực; lịch sử phát triển và các chủ trương, chính sách phát triển TTHTCĐ của Đảng, Nhà nước ta… Ở chuyên đề 2 thì đi sâu vào các nội dung: Bình đẳng giới và một số khái niệm có liên quan; lồng ghép trong quản lý, điều hành và tổ chức các hoạt động tại TTHTCĐ thông qua các hoạt động cụ thể; công tác giám sát, đánh giá. Điều quan trọng là sau khi tiếp thu các nội dung của chuyên đề, tiến sĩ Đào bày tỏ mong muốn các học viên, cán bộ khuyến học cơ sở cần linh hoạt vận dụng theo tình hình thực tế địa phương, tổ chức thực hiện một cách hiệu quả, nhất là áp dụng tại các TTHTCĐ.

Tại buổi tập huấn, các học viên cũng thẳng thắn trình bày, trao đổi những hạn chế, bất cập trong hoạt động của các trung tâm tại từng địa phương. Đồng thời, đưa ra những đề xuất, hiến kế đầy tâm huyết để các TTHTCĐ phát huy hiệu quả trong thời gian tới.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.