Đẩy mạnh cho vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn

Thứ Tư, 15/08/2018 | 16:11

Với nền kinh tế chủ yếu là nông nghiệp nên việc tăng cường đầu tư vốn cho phát triển sản xuất đóng vai trò quan trọng. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế hơn 7,5% trong năm 2018 thì tăng trưởng tín dụng của tỉnh phải tăng từ 18%, tương đương tăng thêm hơn 3.860 tỷ đồng so với năm 2017.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh huyện Hồng Dân. Ảnh: L.D

Hệ thống ngân hàng đóng vai trò rất quan trọng trong thúc đẩy phát triển sản xuất. Thông qua đầu tư vốn, các ngân hàng đã góp phần thúc đẩy sản xuất, lưu thông hàng hóa, tiền tệ phát triển; đẩy nhanh quá trình tái sản xuất mở rộng, điều tiết vĩ mô nền kinh tế. Qua đó, đáp ứng các nhu cầu vốn bị thiếu hụt ở các thành phần kinh tế, giúp đảm bảo tính liên tục trong quá trình sản xuất. Ngoài ra, các ngân hàng còn tham gia trực tiếp vào quá trình tái cơ cấu sản xuất, khuyến khích đầu tư, ứng dụng mô hình sản xuất mới và tạo thêm nhiều việc làm cho lao động nông thôn…

Những năm qua, đầu tư vốn phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn là một trong những lĩnh vực có tăng trưởng tín dụng khá cao. Năm 2017, dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn trên địa bàn đạt hơn 9.190 tỷ đồng, tăng 28,17% so với năm 2016.

Mặc dù tăng trưởng tín dụng tăng, song số khách hàng mới ở các ngân hàng tăng không nhiều, trong khi nhiều đối tượng muốn vay vốn nhưng chưa đáp ứng được các yêu cầu của ngân hàng đặt ra. Từ đó cho thấy, việc triển khai đầu tư tín dụng chưa được mở rộng; nông dân, doanh nghiệp ở vùng nông thôn còn gặp khó khăn trong tiếp cận vốn.

Điều đáng quan tâm là việc đầu tư tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn còn thiếu sự tham gia của các ngân hàng. Năm  2017, ngoài Ngân hàng NN&PTNT - chi nhánh tỉnh có tăng trưởng tín dụng tăng thêm 20% và thị phần cho vay nông nghiệp - nông thôn chiếm hơn 70%, thì các ngân hàng khác tăng trưởng tín dụng không nhiều, thị phần đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn chỉ chiếm vài phần trăm.

Ông Trần Văn Dục, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng NN&PTNT huyện Hồng Dân, cho biết: “Đến nay, chi nhánh đã đầu tư hơn 590 tỷ đồng cho 13.000 hộ nông dân, doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh và tăng trưởng tín dụng luôn đạt hơn 17%. Nguồn vốn này đã góp phần thúc đẩy sản xuất và phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn”.

Để tăng cường đầu tư vốn cho phát triển nông nghiệp - nông thôn, năm 2015 Chính phủ đã ban hành Nghị định 55/2015-NĐ-CP. Theo đó, tổ chức tín dụng được xem xét cho khách hàng vay trên cơ sở có bảo đảm hoặc không có bảo đảm bằng tài sản theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trên thực tế, các hộ dân rất khó tiếp cận hình thức vay không có tài sản bảo đảm do các tổ chức tín dụng e ngại rủi ro, và để an toàn vốn cần phải có tài sản bảo đảm. Trong khi đó, thực trạng phổ biến ở vùng nông thôn là hầu hết các hộ dân đều có vay vốn ngân hàng để phục vụ sản xuất nhưng phần lớn là vay có thế chấp tài sản. Do đó, hộ nông dân muốn vay thì bị “kẹt” tài sản trong ngân hàng, còn vay không bảo đảm tài sản thì mức vay thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất.

Cùng với đó, khi cho vay hộ sản xuất ở nông thôn chiếm phần lớn là vay nhỏ lẻ, trong khi chi phí tính trên một khách hàng vay là như nhau, thậm chí còn cao hơn. Do vậy đòi hỏi phải có nhiều cán bộ, nhân viên làm việc hơn, nhất là các hộ nông dân nằm xa các trung tâm. Do vậy, nhiều ngân hàng ngại đầu tư, không “mặn mà” trong cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn.

Để tháo gỡ các khó khăn và khơi thông đồng vốn, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các tổ chức tín dụng tăng cường đầu tư vốn phục vụ phát triển nông nghiệp - nông thôn; khuyến khích cho vay bằng hình thức tín chấp đối với những mô hình, dự án sản xuất hiệu quả; tạo cơ chế thông thoáng trong việc xử lý tài sản thế chấp và giải chấp để nông dân tiếp cận vốn; thực hiện bảo hiểm nông nghiệp và có chính sách cấp bù lãi suất, tái cấp vốn để bù đắp rủi ro cho các ngân hàng, nhất là đối với cho vay không có tài sản bảo đảm…

Kim Trung

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.