Tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19: Phát huy vai trò “trụ cột” của Sản xuất nông nghiệp

Thứ Hai, 15/06/2020 | 16:58

Với thế mạnh kinh tế là sản xuất nông nghiệp, Bạc Liêu xác định đó là “trụ cột” chính cho tăng trưởng kinh tế sau dịch COVID-19. Do vậy, việc triển khai đồng bộ các giải pháp với tinh thần quyết liệt, khẩn trương cho những tháng “nước rút” cần sự quyết tâm cao, nhất là trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh, thị trường còn diễn biến khá phức tạp.

Nông dân huyện Vĩnh Lợi thu hoạch lúa đông xuân.

VƯỢT KHÓ ĐỂ TĂNG TRƯỞNG

Đánh giá về tình hình sản xuất 6 tháng đầu năm 2020 cho thấy, sản xuất nông nghiệp phải đương đầu với nhiều khó khăn, do ảnh hưởng bệnh dịch tả heo châu Phi, hạn hán, xâm nhập mặn, nhất là dịch bệnh COVID-19 gây ra. Tất cả những khó khăn này đã tác động trực tiếp đến tăng trưởng của ngành Nông nghiệp. Đơn cử, trong nuôi trồng thủy sản, do hạn hán, xâm nhập mặn cùng với nắng nóng kéo dài đã làm cho tôm nuôi chậm lớn và thay nhau bị thiệt hại, nông dân không dám thả nuôi mới; thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá tôm xuống thấp, đầu ra gặp nhiều khó khăn... Hay trong phát triển chăn nuôi, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả heo châu Phi đã làm cho tổng đàn heo giảm 34,08% so với cùng kỳ và đến nay vẫn chưa thể khôi phục được.

Tuy nhiên, với sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, ngành Nông nghiệp cùng với sự nỗ lực phấn đấu của các địa phương nên sản xuất được duy trì và Bạc Liêu đã chủ động thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, ứng phó có hiệu quả với hạn, mặn và làm tốt công tác điều tiết nước phục vụ sản xuất...

Nhờ vậy, đã bảo vệ được diện tích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản và khống chế không cho mặn xâm nhập qua các tỉnh Sóc Trăng, Hậu Giang. Qua đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định và tiếp tục tăng trưởng trong điều kiện khó khăn chung và đây là kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể ở vụ đông xuân vừa qua, mặc dù các tỉnh ĐBSCL bị ảnh hưởng khá nặng nề do hạn mặn, nhưng Bạc Liêu vẫn thu hoạch hơn 47.540ha lúa, với năng suất từ 7,5 - 8 tấn/ha và cho sản lượng 364.175 tấn, đạt 101,44% kế hoạch và tăng 1,13% so với cùng kỳ. Hay trong nuôi trồng và khai thác thủy hải sản, tổng sản lượng đạt 164.893 tấn, tăng 2,14% so với cùng kỳ. Đặc biệt, với việc nắng nóng kéo dài đã góp phần cho sản lượng muối tăng cao với 89.596 tấn (trong đó muối trắng 7.841 tấn), đạt 169,05% kế hoạch và tăng 70,74% so với cùng kỳ.

Từ những con số cụ thể trên cho thấy, sản xuất nông nghiệp đã thật sự vượt qua khó khăn để tiếp tục giữ vững với vai trò là “trụ đỡ” và góp phần quan trọng vào tăng trưởng chung của nền kinh tế tỉnh nhà.

Chế biến tôm xuất khẩu tại Công ty Tân Phong Phú (huyện Hòa Bình). Ảnh: L.D

QUYẾT TÂM GIỮ VỮNG TĂNG TRƯỞNG

Theo kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh năm 2020, ngành Nông nghiệp phải hoàn thành các chỉ tiêu lớn như: Sản lượng lúa 1.150.000 tấn, tổng sản lượng thủy hải sản 400.000 tấn (trong đó tôm 200.000 tấn) và tổng đàn heo 200.000 con…

Để hoàn thành các chỉ tiêu trên thì tăng trưởng kinh tế của ngành Nông nghiệp trong 6 tháng đầu năm phải đạt tăng trưởng hơn 5%. Thế nhưng, ngành Nông nghiệp chỉ đạt tăng trưởng 4,94% so với cùng kỳ năm 2019. Do vậy, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh (11% trong năm nay) là nhiệm vụ khá nặng nề, nhất là trong điều kiện thời tiết, dịch bệnh, thị trường tiêu thụ còn diễn biến phức tạp và nằm ngoài các dự đoán. Cụ thể, tình hình thời tiết hiện nay diễn biến phức khá tạp như: mưa trễ đã làm ảnh hưởng việc xuống giống vụ lúa hè thu, thả tôm nuôi mới ở vùng sản xuất phía Nam Quốc lộ 1A.

Tuy gặp nhiều khó khăn, nhưng với tình hình dịch COVID-19 đã cơ bản được khống chế trong cả nước và ở nhiều quốc gia, việc giao thương một số nước đã được thông quan cũng mở ra cơ hội cho tăng trưởng. Hiện giá tôm và các mặt hàng thủy sản tăng dần so với những tháng đầu năm và khả năng sẽ phục hồi nhanh nếu như dịch bệnh COVID-19 tiếp tục có những chuyển biến tích cực.

Theo nhận định của Hiệp hội Chế biến thủy sản (VASEP) tại hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển ngành tôm nước lợ năm 2020 tổ chức tại tỉnh Sóc Trăng vừa qua, khả năng năm 2020 xuất khẩu tôm sẽ đạt từ 3,5 - 3,8 tỷ USD. Nếu đúng như dự báo trên thì khả năng ngành Nông nghiệp sẽ thực hiện đạt các chỉ tiêu giao đầu năm (tăng trưởng 5,2%) và phấn đấu tổng sản lượng thủy sản đạt 403.000 tấn (trong đó tôm 203.000 tấn). Và thị trường xuất khẩu lúa gạo cũng khả quan hơn khi nhu cầu tiêu thụ vào cuối năm được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng cao.

Với quyết tâm vượt qua khó khăn và tiếp tục giữ vững tăng trưởng, theo ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN&PNNT, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung vào các giải pháp cơ bản như: Tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức hội nghị đánh giá hợp tác liên kết bao tiêu lúa gạo, thủy sản giữa doanh nghiệp, hợp tác xã với nông dân trong mối tương quan với xuất khẩu; phát triển công nghiệp chế biến, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và công tác phòng, chống hạn mặn; hội nghị đánh giá các mô hình nuôi tôm hiệu quả, bền vững để các ngân hàng có cơ sở cho người dân vay để phát triển nuôi tôm (đây cũng là điều kiện để nhân rộng mô hình nuôi tôm 2 giai đoạn trong dân) và thu hút các công ty, doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm lúa gạo và thủy sản cho nông dân.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác khuyến nông, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và phòng chống dịch bệnh trong sản xuất cho người dân; tăng cường công tác quản lý nhà nước về quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, công tác kiểm dịch, kiểm soát chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Hướng dẫn nông dân xuống giống theo lịch thời vụ nuôi trồng thủy sản (đối với diện tích cải tạo đang tập trung xuống giống tôm) và sản xuất lúa, đặc biệt là vụ hè thu, vụ lúa trên đất nuôi tôm và các giải pháp bảo vệ sản xuất.

Song song đó, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm ổn định phát triển chăn nuôi và các giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm (nhất là phải khống chế dịch tả heo châu Phi vì hiện nay đã có hơn 20 tỉnh tái phát trở lại); tiếp tục hướng dẫn các biện pháp kỹ thuật cho người chăn nuôi tái đàn heo theo hướng dẫn của Bộ NN& PTNT; đồng thời, phát triển đàn gia cầm và các đối tượng mới như: le le, vịt trời... để đảm bảo ổn định chăn nuôi theo kế hoạch. Triển khai thực hiện xây dựng mô hình trình diễn và nhân rộng sản xuất giống lúa ST24, ST25; đề án nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình tôm - lúa vùng Bắc Quốc lộ 1A theo Quyết định phê duyệt của UBND tỉnh. Thực hiện lịch điều tiết nước của hệ thống cống, theo dõi quan trắc diễn biến nguồn nước trên địa bàn tỉnh, vận hành cống Âu thuyền Ninh Quới để phục vụ sản xuất, đặc biệt là vụ hè thu và vụ lúa trên đất nuôi tôm sắp tới…

LƯ TRUNG

Theo Chủ tịch UBND tỉnh - Dương Thành Trung: Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, chỉ tiêu mà Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã đề ra trong năm 2020 và cho cả nhiệm kỳ 2015 - 2020, UBND tỉnh yêu cầu các cấp, các ngành cần phải quyết liệt hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, bảo đảm tiến độ, chất lượng các công việc được giao, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của thủ trưởng các cơ quan, đơn vị. Thực hiện có hiệu quả phương châm hành động “Đoàn kết, nêu gương, kỷ cương, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Với trách nhiệm của mình, Chủ tịch UBND tỉnh sẽ đánh giá năng lực cán bộ và kiến nghị với Ban Thường vụ Tỉnh ủy xem xét trong việc bổ nhiệm, đề bạt nếu cán bộ đó không thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao, hoặc thực hiện không hiệu quả, thiếu trách nhiệm và thiếu quyết tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.