Đầu tư và sắp xếp mua bán tại các chợ: Bao giờ tiểu thương hết gặp khó?

Thứ Tư, 29/06/2016 | 15:07

Có thể nói, chưa bao giờ tình trạng mua bán bát nháo ở các chợ chạy gây mất trật tự an toàn giao thông và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP. Bạc Liêu lại bức xúc như hiện nay. Điều này không chỉ gây khó cho phát triển sản xuất, kinh doanh, mà còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu xây dựng thành phố xanh - sạch - đẹp và văn minh...

Tuyến đường Hoàng Văn Phụ (phường 3, TP. Bạc Liêu - ảnh trên) và tuyến bờ kè đường Điện Biên Phủ (đối diện cổng chợ A Bạc Liêu) bị biến thành chợ. Ảnh: K.T

Lao đao vì... chợ

Có câu “an cư mới lạc nghiệp”, từ nhiều năm qua, do việc di dời chợ, sắp xếp tới lui mà hàng trăm tiểu thương mua bán trên địa bàn TP. Bạc Liêu vẫn chưa được an cư. Không chỉ ảnh hưởng đến kinh doanh, mua bán, mà việc di dời chợ còn khiến nhiều tiểu thương lâm vào cảnh phá sản, nợ nần chồng chất. Bởi cứ mỗi lần di dời sang điểm bán mới là tiểu thương lại phải tốn thêm tiền đầu tư từ vài chục đến cả trăm triệu đồng. Với những hộ có vốn liếng để xoay thì không nói gì, còn những hộ ít vốn thì phải thế chấp nhà cửa, tài sản, hoặc vay “nóng” để có mặt bằng mua bán. Nếu việc kinh doanh suôn sẻ, thuận lợi thì không sao, còn nếu mua bán ế ẩm không có tiền đóng lãi, trả vốn vay là coi như mất nhà, vỡ nợ…

Bà L.N.A - một tiểu thương kinh doanh mặt hàng nông sản tại chợ phường 3, sau khi di dời về chợ Cầu Xáng (phường 1) than thở: “Từ ngày tôi di dời về điểm bán này thì khách hàng cũ gần như mất hết, việc mua bán không được thuận lợi như trước đây. Đó là chưa kể phải tốn cả trăm triệu đồng đầu tư điểm bán mới. Cứ cái đà này, nếu việc mua bán không được cải thiện, cố đeo theo thì nợ ngày càng nhiều. Một số người đã nghỉ bán và tôi không biết mình cầm cự được bao lâu…”.

Không riêng bà A., mà nhiều tiểu thương ở chợ Trần Huỳnh (phường 7, TP. Bạc Liêu) cũng nằm chung cảnh ngộ này. Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến nhiều tiểu thương không dám tiếp tục đầu tư vào chợ A Bạc Liêu mua bán. Vì nếu đăng ký chỗ bán thì phải tốn thêm cả trăm triệu đồng, lại phải vay vốn ngân hàng và chuyện mất nhà, thiếu nợ… là chuyện có khả năng xảy ra.

Đường thành chợ

Từ năm 2015, Công ty CPĐT-XD-TM Minh Thắng Bạc Liêu và địa phương đã tổ chức đóng cửa chợ Trần Huỳnh. Thế nhưng hiện nay, tại chợ Trần Huỳnh vẫn còn khoảng 100 tiểu thương tiếp tục bám trụ và đứng trước nhiều rủi ro, không an toàn về phòng cháy chữa cháy, không đảm bảo vệ sinh môi trường… Từ chỗ không có nơi mua bán ổn định, nhiều tiểu thương mua bán mặt hàng tươi sống ở chợ phường 1, phường 3 (TP. Bạc Liêu) trong nhiều tháng qua đã biến đường thành chợ. Đường giao thông nơi đây bị các tiểu thương lấn chiếm làm chỗ mua bán gây cản trở giao thông. Bên cạnh đó, các phế phẩm sau buổi tan chợ như đầu ruột cá, rau cải, bọc nylon… vứt bừa bãi trên mặt đường gây ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị. Hay như tại khu vực bán nông sản chợ Cầu Xáng (phường 1), các tiểu thương tự ý cơi nới chỗ mua bán, lấn chiếm lòng đường gây ùn tắc giao thông. Tình trạng này diễn ra đã lâu nhưng chưa thấy ngành chức năng xử lý và có giải pháp khắc phục.

Một vấn đề gây bức xúc cho tiểu thương là trước đây, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh và TP. Bạc Liêu vận động các hộ mua bán ở khu vực bờ kè tuyến đường Điện Biên Phủ nên giao mặt bằng để thi công kè và đây là khu vực cấm mua bán, nhằm đảm bảo mỹ quan và văn minh đô thị. Thế nhưng, sau khi xây dựng xong chợ A Bạc Liêu thì lại có khoảng 100 tiểu thương được bố trí mua bán ngay tuyến đường từng bị cấm mua bán?!

Phản ánh thực trạng các chợ và bức xúc của người dân, ông Huỳnh Chí Nguyện, Phó Chủ tịch UBND TP. Bạc Liêu, cho biết: “Để khắc phục tình trạng mua bán mất trật tự và bố trí các hộ mua bán ở chợ Trần Huỳnh không vào chợ A Bạc Liêu mua bán, UBND TP. Bạc Liêu đã xin ý kiến và được UBND tỉnh chấp thuận cho làm chủ  đầu tư xây dựng chợ B. Hiện, UBND TP. Bạc Liêu đang tiến hành lập phương án và sẽ triển khai sớm trong thời gian tới. Riêng các hộ mua bán đã được bố trí ở tuyến kè đường Điện Biên Phủ sẽ di dời về chợ B khi xây dựng hoàn thành và trả lại mặt đường cho tuyến đường này”.

Với những khó khăn của các tiểu thương như hiện nay, thiết nghĩ UBND tỉnh và TP. Bạc Liêu sớm có giải pháp hỗ trợ. Đồng thời, đẩy nhanh việc đầu tư xây dựng chợ B, nhằm tạo điều kiện cho các hộ tiểu thương an tâm mua bán và ổn định cuộc sống.

KIM TRUNG

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.