Hết lòng giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa Khmer

Thứ Hai, 18/03/2024 | 16:02

Dù đảm đương nhiều công việc ở cơ sở, song những cán bộ phụ trách văn hóa ở các xã, những trưởng ấp tại vùng có đông đồng bào Khmer trong tỉnh luôn dành nhiều tâm sức để duy trì, phát triển phong trào xây dựng đời sống văn hóa (ĐSVH). Bằng tinh thần trách nhiệm với công việc và hơn hết là tình yêu phum sóc, họ đã và đang hết lòng chung tay bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa Khmer truyền thống trong đời sống hiện đại.

Anh Phan Minh Tiền - Trưởng ấp Cái Giá kiểm tra chất lượng ghe Ngo để chuẩn bị tổ chức giải đua ghe chào mừng tết Chôl-chnăm-thmây.

GIỮ CHO ĐƯỢC “HỒN CỐT” DÂN TỘC

Chúng tôi hẹn gặp anh Phan Minh Tiền - Trưởng ấp Cái Giá (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) đúng vào dịp anh đang xây dựng kế hoạch phối hợp với Ban quản trị chùa Cái Giá giữa, chùa Cái Giá chót tổ chức các hoạt động nhân dịp tết Chôl-chnăm-thmây 2024. Trước nhất, ấp chuẩn bị làm vệ sinh, sơn phết lại 2 chiếc ghe Ngo, vận động thanh niên vớt lục bình trên con kênh của ấp để mở giải đua ghe Ngo mừng Tết cổ truyền của đồng bào Khmer.

Là Trưởng ấp, anh Tiền được giao rất nhiều công việc. Ở lĩnh vực nào, anh cũng hoàn thành tốt nên được cấp trên, người dân tín nhiệm. Bận rộn là vậy, song vốn là người Khmer nên anh luôn nặng lòng với công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Bởi vậy, anh đã đề xuất với xã, huyện cấp kinh phí sửa chữa, mua sắm trang thiết bị cho Nhà Văn hóa ấp, đóng thêm 2 chiếc ghe Ngo mới để phát triển phong trào đua ghe Ngo của ấp.

Ngoài ra, anh Tiền còn phối hợp với Ban quản trị các chùa vận động thanh niên, nghệ nhân tham gia đội múa trống Chhay-dăm, đội nhạc ngũ âm. Trong các dịp lễ hội, anh tích cực vận động các mạnh thường quân, người dân đóng góp kinh phí tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao. Anh Tiền bộc bạch: “Cuộc sống hiện đại đang du nhập nhiều loại hình văn hóa mới, do đó người Khmer phải giữ cho được nét đẹp văn hóa truyền thống, bởi đó chính là “hồn cốt” của dân tộc”.

Nhiều năm công tác ở xã Vĩnh Trạch Đông (TP. Bạc Liêu), anh Lê Quốc Trung (công chức văn hóa - xã hội) dù không phải là người dân tộc Khmer nhưng nhờ thường xuyên gần gũi với người dân, tham gia các lễ hội nên cảm nhận được những nét độc đáo của văn hóa Khmer. Ý thức được vai trò và trách nhiệm của mình, anh Trung thường xuyên tuyên truyền cho người dân những nội dung về xây dựng nếp sống văn hóa, ứng xử văn minh trong lễ hội bằng song ngữ Việt - Khmer. Anh còn đề xuất UBND xã kiến nghị với đơn vị hữu quan quan tâm hỗ trợ trang bị trang phục, đạo cụ cho đội múa khỉ ngựa, đội múa Khmer của xã.

Anh Lê Quốc Trung (công chức văn hóa - xã hội xã Vĩnh Trạch Đông) phát bản tin truyền thanh về phong trào xây dựng đời sống văn hóa bằng song ngữ Việt - Khmer. Ảnh: H.T

CẦN ĐƯỢC TRỢ LỰC

Hết mình với công việc, song hạn chế của nhiều cán bộ phụ trách văn hóa tại những địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống là không được thường xuyên, kịp thời bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ xây dựng ĐSVH. Trong khi đó, việc giữ gìn và phát huy văn hóa Khmer truyền thống trong tình hình mới đang đặt ra nhiều yêu cầu, thách thức đòi hỏi cán bộ làm công tác văn hóa phải hội đủ kiến thức lẫn kỹ năng.

Theo một cán bộ văn hóa xã, ngành chức năng cấp huyện, tỉnh nên nghiên cứu mở những lớp bồi dưỡng dành riêng cho cán bộ ở địa bàn có đông đồng bào Khmer sinh sống. Bởi, những nơi này có bản sắc văn hóa, ngôn ngữ đặc thù nên cần kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ phù hợp với tình hình thực tế. Đặc biệt là tăng thời gian tập huấn, nội dung đi sâu vào giải quyết những điểm yếu, “lỗ hổng” của cán bộ văn hóa trong phương pháp tuyên truyền, tổ chức các hoạt động trong lễ hội, phát triển các đội, nhóm văn nghệ trong đồng bào Khmer… Bên cạnh đó, việc đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho thiết chế văn hóa, nâng mức kinh phí hỗ trợ đối với các hoạt động bảo tồn văn hóa Khmer cũng cần được chú trọng.

Để giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc là công việc cấp bách, có nhiều khó khăn. Do đó, phát triển những cán bộ văn hóa, trưởng ấp trong tỉnh nói chung, ở địa bàn có đông đồng bào Khmer nói riêng đảm bảo tương tầm với nhiệm vụ là hết sức cần thiết. Họ thật sự cần được trợ lực về nhiều mặt để có điều kiện cống hiến, chung tay bảo tồn, lan tỏa nét đẹp văn hóa Khmer.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.