Mồ hôi mặn của diêm dân

Thứ Sáu, 22/03/2024 | 15:35

Những ngày tháng Ba, chúng tôi có dịp về Kinh Tư (xã Điền Hải, huyện Đông Hải) nghe diêm dân kể chuyện hạt muối. Bao đời nay, dù trải qua bao vất vả, bao mùa muối “đắng”, nhưng diêm dân vẫn đậm tình với muối.

Cần lao động trẻ

Hơn 2 giờ chiều trên đồng muối thuộc Hợp tác xã Muối Long Hà (xã Điền Hải), ), trời nắng đổ lửa khiến không khí trở nên nóng rát là lúc bà con diêm dân lục tục kéo nhau ra đồng. Mỗi lao động nơi đây đều có một hoàn cảnh gia đình riêng, có người lớn tuổi, cũng có người chỉ vừa đôi mươi. Mặc cái nắng phả vào mặt, bàn chân đỏ ửng ngâm trong nước, mọi người vẫn cần mẫn cào muối thành gò nhỏ để phơi khô.

Vẫn là những câu chuyện “rầu rầu” mà diêm dân hay thở dài về giá muối, năm nay muối trúng nhưng giá không cao, hiện nay giá muối đã sụt giảm chỉ còn từ 1.000/kg muối đen và 1.500 đồng/kg muối trắng. Đôi tay đen sạm vác từng cần xé muối đổ vào tu muối cao gần bằng người, anh Nguyễn Văn Hậu gạt những giọt mồ hôi trên trán, tươi cười: “Mỗi ngày tôi vác được tầm 40 cần xé, mỗi cần xé được 4.000 đồng. Làm muối vất vả nên anh chị tôi chuyển sang làm nghề khác, riêng tôi muốn giữ nghề truyền thống của gia đình, cũng muốn cha mẹ tôi có thể nghỉ ngơi…”.

Chẳng riêng gì gia đình anh Hậu, nhiều gia đình nhiều đời làm muối nơi đây cũng đang thiếu vắng đi lao động trẻ, đa phần người trẻ đều bỏ xứ đi làm ăn xa hoặc kiếm việc làm khác để có thu nhập cao hơn, đỡ vất vả hơn. Trên các cánh đồng muối hiện nay chủ yếu là lao động trên 30 tuổi và những diêm dân “cố cựu” còn dẻo dai.

Ông Phùng Văn Thùy (ấp Long Hà) dừng tay cào muối, chia sẻ: “Hơn 40 năm làm muối, tôi thấy nghề này đắng nhiều hơn ngọt, bởi nghề này cực nhọc nhưng cứ luẩn quẩn “được mùa - mất giá, được giá - mất mùa”. Nhà tôi chỉ còn mình tôi làm muối, con cái đi làm ăn xa cả, cũng sợ một ngày nghề muối sẽ biến mất, nhưng bản thân mình cũng lực bất tòng tâm”. Thật vậy, những diêm dân xứ muối không mong gì hơn ngoài cuộc sống khấm khá lên nhờ muối. Bởi như thế, mới có thể giữ chân người trẻ về với quê hương và giữ gìn nghề làm muối.

Thu hoạch muối mang lại trải nghiệm thú vị cho du khách. Trong ảnh: Diêm dân xã Điền Hải, huyện Đông Hải) phơi muối. Ảnh: T.N

Mong chờ làm du lịch từ muối

Cuối buổi chiều, giữa những cơn gió cuồn cuộn mặn mòi của xứ biển, hoàng hôn phủ màu vàng nhạt lên cánh đồng muối. Trò chuyện với chúng tôi về những mong muốn của diêm dân trong tương lai, ông Phạm Xuân Quang - Giám đốc HTX muối Long Hà, bày tỏ: “Đối với chúng tôi, giữ nghề không chỉ đơn giản là giữ miếng cơm, manh áo, mà bởi nghề làm muối còn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Dù vậy, phải làm sao để đem nghề muối và hạt muối Bạc Liêu làm du lịch thì chúng tôi rất cần sự tư vấn, hỗ trợ từ các ngành chức năng”. Không thể không công nhận, bên cạnh những giá trị kinh tế từ hạt muối, nghề muối ở Bạc Liêu còn hàm chứa nhiều giá trị văn hóa đặc biệt. Những câu chuyện, giai thoại về muối Ba Thắc chính là điểm nhấn đặc trưng thu hút du khách gần xa.

Theo đó, Bạc Liêu vừa có buổi làm việc với Bộ NN&PTNT về kế hoạch tổ chức Festival Muối Việt Nam - Bạc Liêu 2024, dự kiến diễn ra vào cuối năm. Trong khuôn khổ sự kiện này, nhiều hoạt động phong phú, đa dạng sẽ được tổ chức, qua đó thể hiện được những nét văn hóa truyền thống tốt đẹp, nhằm tôn vinh, bảo tồn, phát triển nghề muối Việt Nam nói chung; quảng bá, giới thiệu và xây dựng hình ảnh đặc trưng của các sản phẩm muối và nghề muối ở Bạc Liêu nói riêng.

Hạt muối mặn nhưng giọt mồ hôi của diêm dân còn mặn hơn, những câu chuyện vui buồn về hạt muối còn nhiều, kể ra bao giờ mới hết. Diêm dân Bạc Liêu rất mong chờ bài toán kinh tế được giải, hơn hết, họ rất cần những dự án, sự đầu tư đúng mức để nâng cao giá trị hạt muối và tiếp tục gắn bó với nghề cha ông để lại.

BÙI NGUYỄN

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.