“Vài đề xuất cho cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá”​ tiếp tục nhận được quan tâm

Thứ Tư, 20/03/2024 | 16:30

Nhiều ý kiến tiếp tục gửi đến Tòa soạn Báo Bạc Liêu xung quanh bài báo “Vài đề xuất cho cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá” (báo Bạc Liêu, số ra ngày 5/3/2024). Đa số các ý kiến đều tán thành các đề xuất, đồng thời gợi mở những nội dung cần quan tâm nếu đề xuất được tỉnh thực hiện. 

* Anh Trần Phước Thạnh (Việt kiều Úc): Là cách quảng bá và phát triển du lịch tỉnh nhà

Nhà hát Ba nón lá (Nhà hát Cao Văn Lầu) sẽ trở thành trọng tâm của lễ hội ở Bạc Liêu và cũng là biểu tượng nghệ thuật của đại tiệc ánh sáng, nếu chúng ta chịu đầu tư thêm phần ánh sáng, hệ thống ánh sáng Vivid của các nước tân tiến trên thế giới chẳng hạn, giống như lễ hội ánh sáng Vivid của Úc vậy!

Khi lễ hội ánh sáng ở khu Quảng trường Hùng Vương nói riêng và Nhà hát Ba nón lá nói chung bao trùm lúc màn đêm buông xuống cũng là lúc cả TP. Bạc Liêu sẽ đắm chìm trong biển ánh sáng nhiệm màu. Hình ảnh mái nhà nón lá được thắp sáng lung linh truyền đi tới hàng triệu người trong nước và trên toàn thế giới biết biểu tượng chiếc nón lá chỉ có ở Việt Nam! Đồng thời qua đó sẽ quảng bá và phát triển ngành Du lịch tỉnh nhà.

Bên cạnh sức hút nhiều màu của ánh sáng, ba nón lá còn là một sân khấu nghệ thuật lớn của Bạc Liêu. Các chương trình nghệ thuật được biểu diễn kết hợp cùng tạo hình ấn tượng từ ánh sáng sẽ mang đến cho người dân và du khách nhiều trải nghiệm bất ngờ. Thiết nghĩ, lãnh đạo tỉnh nên mạnh tay đầu tư để đưa Bạc Liêu lên một tầm cao mới. Nguồn vốn thì có thể lấy nguồn kinh phí của Nhà nước cùng kinh phí của các doanh nghiệp hỗ trợ. Tôi còn nghĩ đến việc trong Nhà hát Ba nón lá sẽ đầu tư phòng chiếu phim 5D cho du khách mua vé xem phim… Nói chung là hơi tốn kém nhưng chúng ta phải cố gắng để Bạc Liêu trở thành điểm đến ấn tượng! Là người con Bạc Liêu, tôi luôn mong muốn quê hương phát triển.

Cây đờn kìm (ảnh trên) - biểu tượng văn hóa của Bạc Liêu và Nhà hát Ba nón lá nhận được nhiều ý kiến liên quan đến đề xuất phần âm thanh và ánh sáng. Ảnh: H.T

* Nghệ nhân Đỗ Ngọc Cần (nghệ nhân đờn kìm, Nhà hát Ba nón lá): Cần tính toán không gian, thời gian để đờn kìm thể hiện phần “thanh”

Theo tôi, việc bổ sung phần thanh cho biểu tượng cây đờn kìm trên Quảng trường Hùng Vương là cần thiết! Cần phải cho đờn kìm có thêm phần “hồn” để mọi người hiểu được đó là một trong những nhạc cụ quan trọng trong bộ “Tứ tuyệt” của nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Nhưng chúng ta cần tính toán kỹ thời gian, không gian để thiết kế âm thanh sao cho chuẩn. Chọn nhạc, ghi âm như thế nào để các bài bản phù hợp với không gian đó, và phát vào thời gian nào cho thích hợp nữa. Thậm chí, còn cả phần lời dẫn để dẫn giải, nêu rõ là bải bản gì khi phát thanh từ cây đờn kìm, để du khách, người dân thưởng thức và hiểu rõ.

Độc tấu đờn kìm bản “Dạ cổ hoài lang”, theo tôi là nhất định phải có, để giới thiệu với mọi người “Dạ cổ hoài lang” khi sáng tác là được cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sử dụng nhạc cụ này. Rồi thì cần phải có những bài bản khác nữa để mọi người hiểu rằng đờn kìm là một trong những nhạc cụ đặc biệt trong bộ “Tứ tuyệt” của nghệ thuật Đờn ca tài tử (cùng với đờn tranh, đờn cò, đờn bầu) mà các bậc tiền bối cho rằng đó là “quân tử cầm” giữ vai trò giữ nhịp cho song lang.

* Ông Lê Hữu Long (cán bộ Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu): Nên chọn cái riêng của cổ nhạc Bạc Liêu để tạo điểm nhấn

Với tư cách là người nghiên cứu tư liệu về cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và cổ nhạc Bạc Liêu để xây dựng nội dung trưng bày về Cao Văn Lầu và cổ nhạc Bạc Liêu, tôi nghĩ rằng việc chọn nội dung cho phần âm thanh cho cụm cây đờn kìm và Nhà hát Ba nón lá nên chọn cái riêng của cổ nhạc Bạc Liêu nhằm tạo điểm nhấn, tôn vinh và giới thiệu với du khách biết cái riêng của Bạc Liêu. Đó là cách để phổ biến cái hay, cái độc đáo của quê hương cho các thế hệ sau này nhận biết và phát huy.

Cái riêng của cổ nhạc Bạc Liêu đó là vọng cổ. Vọng cổ có một thời gian dài người ta gọi là “vọng cổ Bạc Liêu”. Vì đó là điệu thức vọng cổ do người Bạc Liêu sáng tác ra và phát triển từ nhịp 2 lên nhịp 4, rồi 16, 32, 64. Những người ấy đều là người con của quê hương Bạc Liêu: Cao Văn Lầu, Trịnh Thiên Tư, Lưu Hòa Nghĩa, Mộng Vân, Tấn Hưng, Lý Khi.

Nên phần nhạc cho cây đờn kìm, theo tôi nên chọn những bản đầu tiên của sự hình thành phát triển của vọng cổ, đó là “Dạ cổ hoài lang” (nhịp 2), “Thôi tử thí tề quân”, “Văng vẳng tiếng chuông chùa” (nhịp 8), “Sầu vương biên ải” (nhịp 16), “Tìm bạn lạc loài” (nhịp 32)… Ca sĩ thể hiện những bài bản này nên chọn ca sĩ của Bạc Liêu (ca sĩ Nhà hát Cao Văn Lầu).

Từ khi vọng cổ ra đời và phát triển, các soạn giả đưa vào sân khấu cải lương, được khán giả đón nhận rầm rộ… làm cho sân khấu cải lương phát triển lên đỉnh cao. Có nhà nghiên cứu cho rằng “vô vọng cổ bất thành cải lương”. Nên theo tôi, có thể thêm một vở cải lương đầu tiên khi điệu thức vọng cổ được đưa vào cải lương. Nếu không có được bản gốc đầu tiên, thì Nhà hát Cao Văn Lầu dựng lại để ghi hình và ghi âm, để phục vụ khán giả tại Nhà hát hoặc cũng có thể phát trên cây đờn kìm, đây cũng là cách thức để phục hồi một di sản văn hóa phi vật thể cần bảo tồn.

NHẬT QUỲNH (thực hiện)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.