Xây dựng mắt xích kết nối du lịch liên vùng

Thứ Tư, 03/04/2024 | 17:32

Mang vẻ đẹp hữu tình của những miệt vườn sông nước, với người dân mang tính cách hào sảng, nghĩa tình và những nét văn hóa bản địa phong phú, độc đáo…, Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tuy có nhiều điều kiện phát triển du lịch (DL) nhưng kết quả mang lại vẫn chưa như kỳ vọng, trong đó nguyên nhân lớn là điểm nghẽn về tính liên kết. Vấn đề này một lần nữa được đưa ra mổ xẻ, tìm giải pháp giải quyết trong Hội thảo “Xây dựng, phát triển tua, tuyến và các sản phẩm DL đặc thù của ĐBSCL” vừa được tổ chức tại TP. Cần Thơ.

VẪN CÒN “MẠNH AI NẤY LÀM”

Trước sự cạnh tranh về thị trường khách ngày càng gay gắt cùng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững, vấn đề nổi lên gần đây là liên kết vùng trong phát triển DL. Nhận diện được những yếu điểm, thách thức lớn so với các vùng trong nước, thời gian qua, các tỉnh trong vùng ĐBSCL từng bước thúc đẩy các hoạt động hợp tác, hỗ trợ cùng phát triển. Từ đó, một số tua, tuyến DL mang tính kết nối vùng đã ra đời như: “Một điểm đến 4 địa phương +”, “Non nước hữu tình”, “Sắc màu vùng biên”…

Tuy nhiên, khách quan nhìn nhận thì sự liên kết này mới chỉ tập trung vào hoạt động xúc tiến, quảng bá, chia sẻ kinh nghiệm quản lý nhà nước về DL chứ chưa hợp tác toàn diện. Trong đó, việc cộng lực của các doanh nghiệp DL giữa các tỉnh còn nhiều khó khăn do hầu hết đều là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, sức cạnh tranh thấp nên thiếu quan tâm đến hợp tác kinh doanh, quảng bá thương hiệu. Từ đó có thể khẳng định, việc phát triển DL giữa các địa phương trong vùng còn tình trạng “mạnh ai nấy làm”, thiếu sự liên kết chặt chẽ, chưa kết nối theo hướng tổng thể dưới góc độ của vùng.

Ông Trần Hữu Hiệp - Phó Chủ tịch Hiệp hội DL ĐBSCL, nhấn mạnh: “Liên kết DL là sự hợp tác, chia sẻ để xây dựng, phát triển và khai thác hiệu quả hơn tài nguyên DL trong một không gian nhất định nhằm đạt mục tiêu phát triển bền vững. Nếu mạnh ai nấy làm sẽ xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, triệt tiêu nguồn lực, khó có thể đạt được lợi ích chung tốt hơn. Liên kết không gian DL vùng là công cụ hữu hiệu phát triển vùng và chuỗi giá trị sản phẩm DL vùng ĐBSCL. Việc xây dựng, phát triển các tua, tuyến và sản phẩm đặc thù vùng cần đặt trong yêu cầu này”.

Sở VH-TT&DL các tỉnh, thành phố và các doanh nghiệp lữ hành khu vực ĐBSCL khảo sát xây dựng tua, tuyến du lịch tại Bạc Liêu.​ Ảnh: H.T

TẠO MẮT XÍCH CHẶT CHẼ

Để có một “nhạc trưởng” thúc đẩy hiệu quả liên kết, các chuyên gia, doanh nghiệp lữ hành và Sở VH-TT&DL các địa phương thống nhất thành lập Ban Điều phối phát triển DL ĐBSCL. Nhiệm vụ của Ban là điều phối hoạt động DL chung của vùng; xây dựng kế hoạch hành động cụ thể với lộ trình và bước đi, đặc biệt là những vấn đề cần ưu tiên thực hiện.

Các đại biểu đề xuất 13 tỉnh, thành trong vùng cần chủ động nghiên cứu, xây dựng sản phẩm mới, khác biệt, mang nét đặc trưng riêng đủ sức thu hút du khách trong và ngoài nước. Muốn như thế, ngành DL các tỉnh cần ngồi tính lại xác định sản phẩm đặc thù của mình là gì, tránh trùng lắp khi đưa vào tua, tuyến chung. Đồng thời, có chính sách cụ thể khuyến khích các doanh nghiệp lữ hành xây dựng, liên kết tua, tuyến DL mới, độc đáo mang đậm nét đặc trưng văn hóa của cả vùng, cũng thể hiện được nét đặc thù trong sản phẩm của từng địa phương.

Bà Trần Thị Lan Phương - Giám đốc Sở VH-TT&DL Bạc Liêu, chia sẻ: “Để làm tốt công tác liên kết DL vùng và phát triển xứng tầm DL tỉnh nhà, Bạc Liêu sẽ tăng cường liên kết có trọng tâm, trọng điểm, nhất là kết nối ba bên giữa cơ quan quản lý - cơ sở kinh doanh - các khu, điểm DL. Đặc biệt là triển khai thực hiện tốt các nội dung trong chương trình hợp tác, khai thác hiệu quả các tua, tuyến liên kết với các địa phương trong nước, đặc biệt là TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phố ĐBSCL”.

Còn theo bà Lê Đình Minh Thy - Giám đốc Vietravel chi nhánh TP. Cần Thơ, các địa phương trong vùng cần xây dựng chiến dịch quảng bá đa dạng, mang đến góc nhìn đa chiều để du khách cảm nhận sâu sắc về nét đẹp của DL miền Tây. Đồng thời, hợp tác với các đối tác trong vùng, vùng kết nối và các đối tác quốc tế để xây dựng các gói ưu đãi, khuyến mại nhằm tăng sức hấp dẫn cho các tua, tuyến.

“Muốn đi xa phải đi cùng nhau”, các địa phương trong vùng phải bắt tay thật chật, toàn diện trên nhiều mặt hơn nữa để không bị bỏ lại phía sau trong sự phát triển, cạnh tranh không ngừng. Muốn vậy, mỗi địa phương phải là một “mắt xích” chặt chẽ trong mối liên kết để cùng phát triển vì cái chung dựa trên những sản phẩm đặc thù riêng biệt.

HỮU THỌ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.