An toàn giao thông

Lập lại trật tự an toàn giao thông đường bộ: “Bình đẳng, không có vùng cấm”

Thứ Hai, 31/07/2017 | 17:07

Chỉ thị 33/CT-TTg ngày 21/7/2017 của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo UBND cấp tỉnh mở tháng cao điểm lập lại trật tự an toàn giao thông (ATGT) đường bộ, đường sắt theo phương châm bình đẳng, không có vùng cấm. Tại Bạc Liêu, trước khi có Chỉ thị 33, tỉnh đã quan tâm đến công tác này, song vẫn còn nhiều việc phải cương quyết xử lý dứt điểm…

Hành lang an toàn đường bộ đường tỉnh ĐT.976 (đoạn qua ấp Năm Căn, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi) bị người dân lấn chiếm xây cất nhà, mở quán. Ảnh: N.Q

Thời gian qua, công tác kiểm tra, xử lý hành vi lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ (HLATĐB) được tỉnh duy trì thường xuyên. Các lực lượng đã nhiều lần ra quân giải tỏa, sắp xếp, nhắc nhở các trường hợp mua bán lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông. Các trường hợp xây nhà, lợp mái che, dựng lều quán vi phạm cũng được lập biên bản, buộc trả lại hiện trạng ban đầu... Thế nhưng trên thực tế, vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm đòi hỏi sự cương quyết để xử lý dứt điểm.

Điển hình như hành vi lấn chiếm HLATĐB trên các tuyến đường dọc Quốc lộ Nam sông Hậu, Quản Lộ - Phụng Hiệp, Quốc lộ 1A đoạn qua địa bàn tỉnh và các tuyến đường tỉnh, đường huyện. Các xe bán trái cây, bắp luộc, xe nước mía và các mặt hàng nông sản, thủy sản khác mọc lên san sát ở hai bên đường. Nhiều chợ xã, chợ nhóm tràn ra gần giữa quốc lộ, có thể kể đến chợ ở khu vực Chòi Mòi (xã Long Thạnh, huyện Vĩnh Lợi), chợ Xóm Lung (ngay đầu cầu Xóm Lung, TX. Giá Rai)… Mùa lúa thì mặt lộ trở thành sân phơi. Chính quyền địa phương, thanh tra giao thông, cảnh sát giao thông… phối hợp ra quân bảo đảm đường thông thoáng nhiều lần, nhưng việc duy trì kết quả còn phụ thuộc vào ý thức của người mua, người bán.

Không chỉ phụ thuộc vào sự tự giác chấp hành pháp luật của công dân mà còn cần lưu tâm đến việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức. Đường tỉnh ĐT.976 (Bạc Liêu - Hưng Thành), đoạn qua xã Hưng Thành (huyện Vĩnh Lợi) có 10 trường hợp dựng nhà, mở cửa hàng trên đất hành lang lộ giới. Các vụ việc vi phạm, chính quyền xã có lập biên bản, nhưng chuyện hoàn trả mặt bằng thì không thực hiện được và tiếp tục phát sinh trường hợp vi phạm mới. Ông Trần Văn Máy - Phó Chủ tịch UBND xã Hưng Thành cho biết: “Trách nhiệm của xã là phát hiện, lập biên bản vi phạm và trình về huyện để báo Sở GT-VT, bởi quản lý đường bộ là thẩm quyền của đơn vị này”. Phải chăng, chính sự đùn đẩy giữa các cơ quan khiến người vi phạm “lờn” pháp luật?!

Việc lập lại trật tự HLATĐB không phải là chuyện mới. Gần đây, ngày 19/5/2015, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch 35/KH-UBND thực hiện Quyết định 994/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự HLATĐB, đường sắt giai đoạn 2014 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Kế hoạch 35 hướng đến nâng cao nhận thức của toàn xã hội về công tác quản lý HLATĐB, lập lại trật tự, kỷ cương pháp luật trong việc giữ gìn HLATĐB, đảm bảo ATGT. Tỉnh sẽ thu hồi phần đất bảo trì, bảo vệ đường bộ và bồi thường thiệt hại do hạn chế khả năng sử dụng đất, thiệt hại tài sản gắn liền trên đất đối với phần đất nằm trong HLATĐB của các tuyến quốc lộ đi qua địa bàn tỉnh, khu vực nút giao, vị trí “điểm đen”, vị trí tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT…

Việc Thủ tướng Chính phủ ra Chỉ thị chỉ đạo lập lại trật tự HLATĐB thêm một lần nữa khẳng định vai trò của HLATĐB trong đảm bảo ATGT. Thủ tướng chỉ đạo quyết liệt: “Xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, địa phương có liên quan nếu để xảy ra phát sinh đường ngang dân sinh trái phép từ sau ngày 1/6/2017”. Và phương châm thực hiện là “bình đẳng và không có vùng cấm” - một điều mà có lẽ các đơn vị, địa phương thuộc tỉnh cần bám sát khi thực hiện trong thời gian tới.

Nguyễn Quốc 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.