CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số ngành Giáo dục: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá

Thứ Hai, 04/03/2024 | 16:35

>> Bài 1: Những viên gạch đầu tiên

Bài 2: Vẫn còn chậm

Dù đã quyết liệt nhập cuộc với tâm thế chủ động khi hòa vào tiến trình chung của dòng chảy chuyển đổi số (CĐS) quốc gia, nhưng so với bình diện chung, Bạc Liêu vẫn khá chậm chạp khi triển khai thực hiện CĐS trong ngành Giáo dục (GD). Việc nhìn thẳng vào thực tế để “bắt mạch” đúng nguyên nhân sẽ là chất “xúc tác” quan trọng để ngành GD tỉnh nhà bứt tốc cùng CĐS.

Cơ sở vật chất thuận lợi để các trường đẩy mạnh chuyển đổi số trong dạy và học.

Khó khăn dần lộ diện

Là trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, Trường mầm non Sao Mai (thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân) được đầu tư cơ sở vật chất khang trang, tạo điều kiện thuận lợi để trường áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào lưu trữ tài liệu, thiết kế bài giảng và tổ chức các hoạt động ứng dụng công nghệ số vào giảng dạy, chăm sóc trẻ đạt hiệu quả. Tuy nhiên, qua thời gian, một số máy vi tính của trường đã xuống cấp, không đảm bảo khi cài đặt các phần mềm nặng hỗ trợ CĐS. Đó là còn chưa kể rào cản về kiến thức, kỹ năng công nghệ số của đội ngũ giáo viên (GV) lớn tuổi bị hạn chế, khiến cho việc khai thác và sử dụng các tiện ích công nghệ số chưa được thực hiện một cách hiệu quả, có chiều sâu. Không chỉ vậy, công việc chăm sóc, GD trẻ luôn chiếm nhiều thời gian nên một số GV của trường còn ngại khó, chưa chủ động tự học tập để nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, CĐS.

Còn tại Trường tiểu học Hòa Bình A (thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình), hiện nay việc thực hiện CĐS trong nhà trường đã diễn ra, nhưng đó vẫn là việc làm mang tính tự phát, chưa có sự kết nối, liên thông và chỉ dừng lại ở một số khía cạnh công việc của nhà trường, chưa mang tính tổng thể, đồng bộ. CĐS trong nhà trường chỉ được thể hiện qua việc sử dụng một số phần mềm như: quản lý điểm, mã định danh học sinh (HS), GV (https://truong.csdl.moet.gov.vn); tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên, đánh giá viên chức (TEMIS); kế toán tài chính (MISA), hỗ trợ kê khai thuế; quản lý thư viện; truyền đạt nội dung thông tin đến cán bộ quản lý, GV, nhân viên, phụ huynh HS (Zalo, Vn.edu); Website; Wifi phủ sóng toàn trường…

Quá trình CĐS của Trường THPT Ninh Thạnh Lợi (xã Ninh Thạnh Lợi, huyện Hồng Dân) cũng vấp phải không ít khó khăn. Đó là một số GV chưa theo kịp việc ứng dụng CNTT và CĐS, chưa đủ khả năng làm chủ một số phần mềm, ứng dụng trong quá trình dạy học, GD và CĐS của đơn vị. Hiện tại, trường còn 7 phòng học chưa trang bị được tivi; đường truyền Internet chưa ổn định, tốc độ còn thấp nên ảnh hưởng đến quá trình khai thác và sử dụng. Một số máy vi tính, màn hình tương tác của 2 phòng ngoại ngữ bị hỏng, nên chưa phát huy được hiệu quả. Nhiều máy vi tính ở các phòng Tin học được cấp trước đến nay bị lỗi phần mềm, tốc độ xử lý chậm, nên việc nâng cấp, cài đặt các phần mềm mới của môn Tin học theo Chương trình GD phổ thông 2018 gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các máy vi tính phòng làm việc của các cá nhân, bộ phận trong nhà trường được trưng dụng từ các máy tính đã hết hạn sử dụng, kiểm kê tài sản theo quy định, nên việc vận hành một số phần mềm mới không như ý.

Không chỉ vậy, trang website của trường chưa được cập nhật thông tin kịp thời, hiệu quả khai thác, sử dụng không cao. Trường chưa có cán bộ phụ trách CNTT nên quá trình ứng dụng các thiết bị tiên tiến, phần mềm chưa đạt hiệu quả. Công tác quản lý GV, nhân viên và HS khai thác, sử dụng các trang mạng xã hội cũng còn nhiều yếu kém; chưa phát hiện và xử lý kịp thời một số thông tin được chia sẻ qua các trang mạng xã hội trong thời gian qua, một số vụ việc phải nhờ đến lực lượng công an can thiệp, xử lý…

Thực hiện chuyển đổi số giúp nhiều cuộc họp, hội thảo của ngành Giáo dục được tổ chức trực tuyến tiết kiệm chi phí, thời gian di chuyển. Ảnh: Đ.K.C

Bóc tách rào cản

Mới đây, tại hội thảo CĐS trong ngành GD, ông Hồ Việt Cường - Phó Trưởng phòng CNTT (Sở Thông tin và Truyền thông), cho biết: “Mặc dù các cấp, các ngành đã tích cực triển khai nhiều hoạt động CĐS trong ngành, lĩnh vực, địa phương, nhưng hiệu quả, tiến độ chưa đạt yêu cầu đề ra, chưa theo kịp tiến trình CĐS quốc gia. Chỉ số CĐS của tỉnh còn thấp; chưa có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương; nguồn nhân lực làm công tác CĐS, CNTT, an toàn an ninh thông tin thiếu cả số lượng và chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Chưa có cơ chế chính sách ưu đãi để thu hút nguồn nhân lực, nhất là chuyên gia giỏi về CNTT, CĐS. Bên cạnh đó, Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 triển khai còn chậm so với tiến độ, chưa được các ngành chủ động thực hiện quyết liệt; sự tham gia của doanh nghiệp, người dân đối với CĐS chưa thật sự mạnh mẽ”.

Trong điều kiện thực hiện CĐS của tỉnh nhà còn nhiều khó khăn, việc thực hiện CĐS của ngành GD tỉnh không thể tránh khỏi những rào cản, hạn chế. Đó là cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, đường truyền, dịch vụ Internet… còn thiếu hoặc lạc hậu, chưa đồng bộ, nhiều nhà trường chưa thể đáp ứng yêu cầu cho CĐS. Tài chính là một trong những khó khăn lớn trong vấn đề cân nhắc và lựa chọn các phần mềm ứng dụng hiệu quả đối với một số đơn vị. Đây chính là vấn đề phải ưu tiên khắc phục, giúp triển khai thành công CĐS, đặc biệt là trong trường hợp nhu cầu tổ chức dạy học trực tuyến tăng khi điều kiện học trực tiếp không cho phép.

Vẫn còn tình trạng một bộ phận cán bộ quản lý, GV bị hạn chế về kỹ năng khai thác, sử dụng CNTT, đảm bảo an toàn an ninh mạng (trong quản lý GD, soạn giảng, tổ chức dạy học, biên soạn đề kiểm tra đánh giá…). Không ít cán bộ, GV có sự nhầm lẫn khi cho rằng việc ứng dụng CNTT chính là CĐS, vì họ thiếu sự hướng dẫn, chưa nắm được quy trình, mô hình, cách thức, chiến lược… CĐS của ngành. Việc sử dụng các máy vi tính, thiết bị, phần mềm để dạy học đạt hiệu quả chưa cao. Cán bộ được phân công phụ trách CĐS chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa có cán bộ chuyên sâu về CNTT. Không chỉ vậy, ngành GD còn chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu dùng chung cho toàn ngành. Hiện nay, cơ sở dữ liệu dùng chung chủ yếu được xây dựng ở một số cơ sở GD riêng lẻ, ngành GD chưa đảm bảo nguồn nhân lực, tài chính để có thể đáp ứng được công việc này. Từ đó, gây ra tình trạng không đồng nhất về kiến thức, nội dung dạy học, kiểm tra đánh giá.

Bên cạnh đó, ngành chưa có sự kiểm soát sát sao và toàn diện về học liệu số. Hiện đang xảy ra rất nhiều tình trạng về học liệu số tràn lan, thiếu tính xác thực và không được kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cũng như nội dung. Đó là còn chưa kể khó khăn về các quy định trong pháp lý về GD liên quan đến CĐS, ứng dụng CNTT vẫn chưa được hoàn thiện…

Dòng chảy mạnh mẽ của CĐS GD đang tiến nhanh như vũ bão vào kỷ nguyên số của quốc gia, nếu lỗi nhịp hoặc chậm một bước thì đồng nghĩa chúng ta sẽ thụt lùi. Thế nên, việc “bắt mạch” đúng khó khăn, tìm ra được những nguyên nhân, hạn chế sẽ giúp cho ngành GD tỉnh nhà nói riêng, toàn tỉnh nói chung “kê đúng đơn” để vượt khó bứt tốc, bắt nhịp nhanh với tiến trình CĐS quốc gia trong ngành GD.

Kim Trúc

Giám đốc Sở GD-ĐT - Lâm Thị Sang nhấn mạnh: “Chọn khởi đầu từ việc ứng dụng CNTT, dần dần tiến đến nâng cao hơn là CĐS. Điều này cực kỳ quan trọng đối với ngành GD, vì nếu không theo kịp chắc chắn chúng ta sẽ thụt lùi, và thụt lùi thì sẽ không bao giờ đáp ứng được mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện của GD trên địa bàn tỉnh. Cho nên, ngay từ lúc đầu khi có chủ trương, thông tin về CĐS, ngành GD đã xác định vai trò tiên phong, vì nếu không tiên phong chắc chắn chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ của mình trong ứng dụng CNTT, CĐS”.

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.