CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số ngành Giáo dục: Chủ động bắt nhịp, tạo bước đột phá

Thứ Tư, 06/03/2024 | 16:00

Bài cuối:  Đổi mới tư duy để hóa giải thách thức

>>> Bài 2: Vẫn còn chậm

Thực tế đã qua cho thấy, chuyển đổi số (CĐS) trong giáo dục (GD) không chỉ dừng lại ở việc đầu tư, mua sắm trang thiết bị cao cấp, hiện đại, hay ở việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), mà quan trọng hơn hết là làm thay đổi nhận thức, tư duy, phương pháp… để đạt mục tiêu, kết quả chất lượng trong thời gian ngắn. Thế nên, để toàn ngành GD tỉnh nhà bắt nhịp nhanh, tạo đột phá trong CĐS thì cần lắm những giải pháp sáng tạo, những chiến lược mang tính dài hơi với lộ trình cụ thể.

Lãnh đạo tỉnh tham quan, trải nghiệm các thiết bị, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số giáo dục của các doanh nghiệp cung ứng. Ảnh: Đ.K.C

Thầy Mai Văn Quyết (Trường THCS Nguyễn Huệ, TP. Bạc Liêu) trong một buổi sinh hoạt chuyên môn trực tuyến cụm liên trường.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức

Ở tuổi 57, thầy Mai Văn Quyết (Tổ trưởng Tổ Khoa học Xã hội, Trường THCS Nguyễn Huệ, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) vẫn miệt mài mỗi ngày bên chiếc máy vi tính (có hôm làm việc đến tận khuya) để soạn bài giảng, chuẩn bị các tiết dạy, họp tổ, sinh hoạt chuyên môn cụm liên trường online. Để có thể vượt qua rào cản công nghệ, sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ trực tuyến như: Google Meet, Zoom, Azota… thầy đã bỏ ra không ít thời gian tìm hiểu nhằm vận dụng thuần thục mọi tính năng. Khi đã làm chủ được phần mềm, thầy không ngần ngại chia sẻ lại với bạn bè, đồng nghiệp vì càng chia sẻ, càng lặp đi lặp lại các thao tác thì bản thân thầy cũng tích lũy thêm kinh nghiệm. Đến nay, nhiều phần mềm, ứng dụng CNTT hỗ trợ dạy - học, công tác chuyên môn được thầy vận dụng thành thạo. Với thầy, CĐS trong GD là cơ hội để giáo viên thay đổi về nhận thức, tư duy, nâng cao trình độ, đổi mới phương pháp và hình thức dạy học phù hợp với xu thế GD mới.

Càng trân trọng hơn khi nhiều thầy cô dù lớn tuổi vẫn chủ động mày mò, tự tìm hiểu, nghiên cứu, học hỏi; rất nhiều thầy cô, cán bộ quản lý tự bỏ tiền cá nhân để trang bị phương tiện làm việc cho bản thân; rất nhiều cơ sở GD, Phòng GD các địa phương tự trang trải, tính toán các khoản tài chính khó khăn của mình để mua sắm, đầu tư với khoản kinh phí không hề nhỏ cho việc CĐS của ngành GD.

Từ chỗ thiếu hiểu biết về công nghệ, mù mờ với các ứng dụng, phần mềm… giờ đây nhiều phụ huynh, học sinh ở các địa bàn vùng sâu xa đã quen dần và bắt đầu thích ứng với các tiện ích công nghệ số hỗ trợ học tập, thực hiện các giao dịch thanh toán dịch vụ GD không dùng tiền mặt… Những “lát cắt” ấy là biểu trưng cho hiệu ứng tích cực từ việc đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về CĐS trong GD đến cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, đặc biệt là phụ huynh, tạo ra sự đồng thuận giữa nhà trường với gia đình, xã hội để thực hiện tốt CĐS của toàn ngành.

Ngoài việc tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của các chủ thể, thì ngành GD cần tiếp tục xây dựng kế hoạch tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên về kiến thức, kỹ năng CNTT, an toàn thông tin cần thiết để tác nghiệp trên môi trường số, đáp ứng yêu cầu CĐS (khi mà hành lang pháp lý triển khai thực hiện CĐS cho ngành vẫn chưa được hoàn thiện). Nội dung bồi dưỡng cần gắn với nhu cầu thực tiễn về triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong nhà trường.

Các đơn vị GD cũng nên xây dựng hệ thống thông tin riêng mang tính thương hiệu để làm cầu nối thông tin trên hành trình CĐS. Những kênh thông tin này sẽ là nguồn chính thống đăng tải các hoạt động của trường, giúp việc truyền thông và tương tác với phụ huynh hiệu quả. Việc xây dựng quy chế quản lý, duy trì và khai thác sử dụng các hệ thống CNTT, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá việc triển khai ứng dụng CNTT tại đơn vị cũng cần được chú trọng. Các trường nên phân công cụ thể trách nhiệm về quản lý, sử dụng hệ thống, cũng như có các hình thức khen thưởng các tổ chức, cá nhân làm tốt…

Giáo viên, học sinh tham khảo, trải nghiệm các thiết bị, giải pháp hỗ trợ chuyển đổi số giáo dục của các doanh nghiệp cung ứng.

Quyết liệt triển khai đồng bộ nhiều giải pháp

Cùng với đó, toàn ngành phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số và các nền tảng số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập để đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, kết hợp học trên lớp và học trực tuyến; kiểm tra và đánh giá kết quả dạy - học với các nền tảng GD mới, thiết lập môi trường giảng dạy linh động. Đẩy mạnh tương tác trực tuyến giữa người dạy và người học (phát triển nền tảng hỗ trợ dạy và học từ xa, xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo cả hình thức trực tiếp và trực tuyến; ứng dụng công nghệ số để giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của học sinh trước khi đến lớp học...). Việc triển khai ứng dụng CNTT phải đi đôi với việc đảm bảo an toàn, an ninh thông tin.

Để hòa nhập nhanh với tiến trình CĐS GD quốc gia, ngành GD Bạc Liêu nói riêng, tỉnh nhà nói chung cần tăng cường hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp về CNTT để giới thiệu các giải pháp công nghệ tiên tiến, cung cấp các sản phẩm CNTT sử dụng trong CĐS GD. Đồng thời, phải chú trọng việc nâng cao năng lực ứng dụng CNTT, an toàn thông tin cần thiết và CĐS cho giáo viên, cán bộ quản lý GD thông qua các khóa huấn luyện, tập huấn thường xuyên và học tập từ các nơi thí điểm thành công. Nội dung bồi dưỡng gắn với nhu cầu thực tiễn về triển khai ứng dụng CNTT và CĐS trong các đơn vị, trường học.

Ngành GD tỉnh phải tiếp tục tham mưu, đề xuất Bộ GD-ĐT nghiên cứu xây dựng phần mềm quản trị trong các cơ sở GD dùng chung, miễn phí cho tất cả các cơ sở GD; hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy CĐS, ứng dụng hồ sơ điện tử đảm bảo thực hiện thống nhất (quy định quản lý Sổ điểm điện tử, học bạ điện tử, chuyển trường...). Song song đó, cần tăng cường đầu tư ngân sách để hoàn thiện cơ sở vật chất, trang bị thiết bị dạy học phục vụ hoạt động dạy - học đáp ứng yêu cầu đổi mới cũng như trang thiết bị, phương tiện khoa học - kỹ thuật để bảo đảm an toàn, an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân và tổ chức trong CĐS. Công tác xã hội hóa GD; tìm nguồn tài trợ tích cực trang bị cơ sở vật chất và thiết bị hiện đại phục vụ công cuộc CĐS ngành GD… cũng cần được thúc đẩy.

Việc xây dựng cơ sở dữ liệu ngành để chia sẻ cơ sở dữ liệu một cách có hiệu quả, thống nhất cho toàn ngành, tạo điều kiện cho việc báo cáo chuyển về Bộ GD-ĐT dễ dàng hơn cũng cần được quan tâm đúng mức. Đồng thời, ngành cũng nên chú ý việc kết nối đồng bộ để các phần mềm do nhiều đơn vị cung cấp khác nhau được tích hợp lại thực hiện tốt, không bị trục trặc, trở ngại khi triển khai thực hiện.

Thời gian tới, để việc CĐS GD thuận lợi hơn, toàn ngành nên tiếp tục triển khai hiệu quả dịch vụ công trực tuyến và thanh toán không dùng tiền mặt trong GD. Trong đó, ưu tiên một số dịch vụ như đăng ký thi tốt nghiệp THPT trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia và Dịch vụ đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào đại học trên Cổng dịch vụ công quốc gia mức độ toàn trình; dịch vụ trực tuyến về xét tuyển học sinh đầu cấp và Dịch vụ công nhận văn bằng, chứng chỉ trực tuyến mức độ một phần, hướng tới mức độ toàn trình… Qua đó tạo sự minh bạch, công khai, tiến tới số hóa trường học, đẩy nhanh quá trình CĐS trong toàn ngành.

CĐS GD là quá trình dài hạn, không phải công việc một sớm một chiều, thế nên yếu tố then chốt để thúc đẩy CĐS không chỉ dừng lại ở công nghệ, kinh phí mà chính là quyết tâm chính trị cao nhất của người đứng đầu các cơ sở GD và nhận thức sẵn sàng thay đổi của đội ngũ giáo viên các trường. Bởi vậy, việc hiểu đúng về CĐS GD, đánh giá đúng thực trạng, xác định và dự báo trúng các thách thức để hóa giải đã là bước đi mang tính đột phá, dự báo cho những cải cách mạnh mẽ của CĐS GD tỉnh nhà trong tương lai.

Kim Trúc

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.