CHUYỂN ĐỔI SỐ

Chuyển đổi số ngành Giáo dục: Chủ động bắt nhịp,​ tạo bước đột phá

Thứ Sáu, 01/03/2024 | 16:34

Trước sự phát triển không ngừng của khoa học - công nghệ, chuyển đổi số (CĐS) trở thành xu hướng tất yếu của xã hội nói chung và lĩnh vực giáo dục (GD) nói riêng. Hòa trong xu thế ấy, dù phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức khi thực hiện CĐS, nhưng ngành GD Bạc Liêu đã chủ động bắt nhịp, tiến từng bước “chậm mà chắc” để tạo ra những đột phá mới.

Bài 1: Những viên gạch đầu tiên

Ngay khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình CĐS quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, trong đó xác định GD là một trong 8 lĩnh vực cần được ưu tiên thực hiện CĐS trước tiên, UBND tỉnh Bạc Liêu đã xây dựng Kế hoạch 54 về “Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và CĐS trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Đây được ví là “cẩm nang” quan trọng góp phần định hướng để ngành GD tỉnh đặt những viên gạch đầu tiên, tạo nền móng vững chắc thúc đẩy CĐS trong GD.

Bài giảng điện tử được giáo viên xây dựng tạo hứng thú học tập cho học sinh.

XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG SỐ

Thời gian qua, các cơ sở GD trên địa bàn tỉnh rất quan tâm đến đường truyền internet tốc độ cao, độ ổn định lớn. Ngoài phủ sóng wifi, nhiều trường còn đấu nối trực tiếp mạng internet có dây đến tất cả các lớp học để phục vụ cho công tác giảng dạy.

Tham quan trực tiếp cơ sở vật chất phục vụ cho việc giảng dạy CNTT tại Trường THPT Chuyên Bạc Liêu (TP. Bạc Liêu), phụ huynh rất hài lòng khi 100% các phòng học, phòng bộ môn, thực hành, thí nghiệm đều có đường truyền internet trực tiếp đến từng lớp, từng phòng. Không chỉ vậy, ở mỗi lớp và tất cả các phòng đều có smart (thông minh) - tivi để phục vụ cho việc giảng dạy trên lớp. Sự trang bị đầy đủ này giúp giáo viên thuận lợi khi lên lớp, những tiết học cũng trở nên trực quan, sinh động hơn và tất nhiên học sinh sẽ dễ dàng tiếp thu, khắc sâu kiến thức.

Còn tại Trường mầm non xã Vĩnh Phú Đông (huyện Phước Long), giáo viên trường đã vận dụng công nghệ số vào công tác chăm sóc, GD trẻ thông qua việc xây dựng các trò chơi học tập, báo cáo sĩ số trẻ qua google bảng tính, thành lập các trang padlet để trao đổi, tiếp nhận thông tin từ phụ huynh về nội dung GD trẻ, hình ảnh hoạt động của trẻ; áp dụng các phương pháp GD tích cực có tích hợp công nghệ số, tạo dựng môi trường kết nối số an toàn, thân thiện để thúc đẩy, khuyến khích sự tham gia của trẻ. Chính việc mạnh dạn áp dụng CĐS đã giúp trẻ hứng thú, hạnh phúc và mong muốn được đến trường. Trẻ có cơ hội được tiếp xúc nhiều với công nghệ, máy tính qua các giờ học, giờ chơi, tự tin trong mọi hoạt động, ngôn ngữ diễn đạt cũng phát triển tốt hơn… Hiệu quả tích cực này giúp phụ huynh ngày càng tin tưởng, ủng hộ nhiệt tình hơn với các hoạt động GD của nhà trường.

Từ đầu năm học 2023 - 2024, hơn 1.600 học sinh của Trường THPT Võ Văn Kiệt (huyện Phước Long) đã sử dụng thẻ từ để điểm danh vào lớp. Trường đã xây dựng 3 khu vực quét thẻ, thẻ từ cũng là thẻ học sinh với đầy đủ các thông tin như: họ tên, ngày tháng năm sinh, lớp học và niên khóa. Ông Quách Bửu Thông - Hiệu trưởng trường, cho biết: “Từ khi sử dụng thẻ từ để quản lý, chỉ cần mất vài phút đăng nhập vào hệ thống, các giáo viên đã dễ dàng nắm bắt số lượng và khung giờ học sinh đến lớp. Điều này giúp nhà trường tiết kiệm phần lớn nhân lực và thời gian. Bên cạnh đó, phụ huynh học sinh cũng có thể theo dõi thời điểm con ra - vào trường học. Mỗi khi học sinh quét thẻ, phụ huynh ngay lập tức sẽ nhận được thông báo từ hệ thống về điện thoại di động cá nhân”.

Đến nay, toàn tỉnh đã có 4/7 phòng GD-ĐT đưa vào vận hành Trung tâm Điều hành GD VnEdu IOC. Các trung tâm này đã cung cấp bức tranh toàn cảnh của ngành GD trên địa bàn thông qua các biểu đồ, chỉ số đo lường hiệu quả công việc được tổng hợp dữ liệu thường xuyên, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác quản lý và gợi ý chỉ đạo điều hành, tối ưu hoạt động của hệ thống GD từ thủ công sang GD số…

Học sinh THCS làm bài tập nhóm trực tuyến thông qua Google Meet. Ảnh: Đ.K.C

ĐỘT PHÁ TẠO DẤU ẤN

Từ năm 2020 đến nay, bên cạnh việc chuẩn hóa, nâng cao năng lực CĐS cho đội ngũ, ngành GD tỉnh còn triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án “Tăng cường ứng dụng CNTT và CĐS trong GD-ĐT giai đoạn 2022 - 2025”. Theo đó, đã có 193/193 trường phổ thông trên địa bàn tỉnh sử dụng phần mềm quản lý trường. Hầu hết các đơn vị, trường học khai thác có hiệu quả các thiết bị về CNTT, hệ thống mạng internet, hệ thống các trang tin điện tử. Điện tử hóa các loại giáo án, hồ sơ, biểu mẫu thống kê, cập nhật thông tin về học sinh, đội ngũ trên cơ sở dữ liệu ngành... Hiện nay, 100% trường phổ thông công lập trên địa bàn tỉnh đều được trang bị phòng Tin học phục vụ giảng dạy. Các trường đều dành sự quan tâm thỏa đáng cho việc ứng dụng CNTT vào hoạt động dạy học, kiểm tra đánh giá và quản lý để đổi mới hình thức, phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá.

Với GD mầm non, các trường còn sử dụng các phần mềm trong tổ chức các hoạt động GD như: Phần mềm Kidsmart, Happykids, phần mềm dinh dưỡng Nutrikids, có thiết bị máy chiếu và có kết nối mạng internet; 100% cán bộ quản lý và giáo viên biết ứng dụng CNTT trong công tác quản lý và chăm sóc, GD trẻ. Thời điểm hiện tại, có 1.597 máy tính và 902 phần mềm phục vụ cho việc khai thác hiệu quả môi trường số hỗ trợ công tác quản lý và chăm sóc, nuôi dưỡng, GD trẻ.

Ngoài ra, một số đơn vị tự trang bị các phần mềm quản lý như: Thi đua - khen thưởng, GD thông minh, Quản lý cán bộ viên chức, Quản lý hồ sơ giáo viên và học sinh... Sử dụng các ứng dụng miễn phí của Google để quản lý kế hoạch bài dạy của giáo viên, kho học liệu dùng chung... Một số trường THCS, THPT đã xây dựng kho tài liệu, đề kiểm tra định kỳ phục vụ hoạt động giảng dạy, ôn tập của học sinh. Bên cạnh đó, việc đăng ký cấp bản sao bằng tốt nghiệp THPT, bằng tốt nghiệp THPT trên Cổng dịch vụ công quốc gia, đăng ký dự thi kỳ thi tốt nghiệp THPT trực tuyến rất thuận lợi cho cả học sinh, cán bộ phụ trách, rút ngắn thời gian, ít sai sót và tiết kiệm chi phí.

Không chỉ vậy, Sở GD-ĐT còn chỉ đạo các đơn vị, trường học thực hiện việc rà soát, thu thập thông tin, cập nhật thông tin trường, lớp, học sinh, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên... lên Cơ sở dữ liệu ngành GD theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT. Hầu hết các cơ sở GD công lập đã trang bị phần mềm do VNPT hoặc Viettel, thực hiện việc kết nối báo cáo dữ liệu với Cơ sở dữ liệu ngành GD.

Với định hướng đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong trường học, tiến tới số hóa trong trường học, thời gian qua ngành GD-ĐT Bạc Liêu đã tích cực phối hợp với các đơn vị, hướng dẫn các nhà trường tổ chức thực hiện. Đến nay, đã có 158/158 trường mầm non, mẫu giáo, THCS, THPT công lập trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện việc thu học phí không dùng tiền mặt, thông qua việc phối hợp với các ngân hàng thương mại đóng trên địa bàn để thực hiện thu học phí và các khoản thu khác trong lĩnh vực GD đạt tỷ lệ 100%. Ngoài ra, với các khoản thu - chi thường xuyên có sử dụng nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn thu khác đều thực hiện thanh - quyết toán bằng hình thức chuyển khoản qua các ngân hàng trên hệ thống dịch vụ công Kho bạc Nhà nước.

Những “lát cắt” kể trên là minh chứng sống động cho sự chuyển mình mạnh mẽ của CĐS trong ngành GD. Dù chưa thể sánh bằng với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, nhưng đó là cả sự cố gắng lớn của toàn ngành GD, hệ thống chính trị tỉnh nhà trong tiến trình hòa vào dòng chảy mạnh mẽ của CĐS GD.

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.