CHUYỂN ĐỔI SỐ

Nâng cao chỉ số chuyển đổi số của tỉnh Bạc Liêu

Thứ Sáu, 06/10/2023 | 15:55

Thực tế cho thấy, các nội dung về chuyển đổi số (CĐS) của Bạc Liêu đạt ở mức cơ bản đầy đủ, nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, chỉ số CĐS (DTI) năm 2021 và 2022 lần lượt đứng thứ 63 và 60/63 tỉnh, thành cả nước. Để cải thiện chỉ số này, giữa năm 2023 UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao DTI giai đoạn 2023 - 2025.

Ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) khảo sát Trung tâm Dữ liệu tỉnh đặt tại trụ sở Sở TT-TT.

QUAN TÂM CĐS

CĐS được nhắc đến nhiều tại Việt Nam từ năm 2018, là bước phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin, là sự tiến bộ vượt bậc của những công nghệ mới mang tính đột phá, nhất là công nghệ số. CĐS là một trong những chủ trương, định hướng lớn của Đảng và Nhà nước, là công việc phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Vấn đề đặt ra cho chúng ta là phải đẩy mạnh CĐS một cách nhanh chóng, hiệu quả.

Xác định được tầm quan trọng của CĐS, Tỉnh ủy - UBND tỉnh Bạc Liêu đã ban hành nhiều các văn bản để thúc đẩy lĩnh vực này. Đó là Chỉ thị 07 năm 2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “CĐS tỉnh Bạc Liêu từ nay đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030”; UBND tỉnh ban hành “Đề án phát triển đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030” và nhiều văn bản chỉ đạo triển khai tổ chức thực hiện. Từ đó, đã tạo được một số kết quả tích cực, đóng góp quan trọng vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Cụ thể, cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông được tăng cường đầu tư mở rộng và hoạt động ổn định, hiệu quả. Các hệ thống thông tin quan trọng được triển khai đồng bộ, kết nối liên thông đến cấp xã. Tất cả xã, phường, thị trấn đều có cáp quang tới trung tâm và sẵn sàng cung cấp dịch vụ truy nhập Internet băng rộng. Tỷ lệ hộ gia đình sử dụng cáp quang là 50% và 80% người trưởng thành sử dụng điện thoại thông minh.

Cùng với đó, hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp huyện, cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình đã được triển khai, kết nối thông suốt giữa 4 cấp, cơ bản phục vụ tốt các cuộc hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh đảm bảo kết nối, liên thông với trục liên thông quốc gia và một số bộ, ngành, đáp ứng yêu cầu chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh và kết nối, chia sẻ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Tính đến trung tuần tháng 9/2023, Bạc Liêu đã triển khai nền tảng quản lý lưu trú cho 74 cơ sở khám chữa bệnh và trên 1.480 cơ sở lưu trú triển khai mô hình khám, chữa bệnh sử dụng thẻ Căn cước công dân và VNeID. Tỉnh cũng đã thực hiện thí điểm chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt cho hơn 6.500 người.

Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh cũng từng bước ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông để nâng cao hiệu quả quản lý, tăng năng suất lao động, đổi mới mô hình kinh doanh. Các cơ sở giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên sử dụng các phần mềm quản lý giáo dục Việt Nam, sổ liên lạc điện tử, các nền tảng dạy học trực tuyến, xây dựng thư viện điện tử, bài giảng điện tử. Đặc biệt, từ ngày 31/8/2023, Bạc Liêu chính thức vận hành thí điểm Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh (IOC), bao gồm 8 lĩnh vực chính.

VNPT Bạc Liêu hướng dẫn, hỗ trợ học sinh trung học phổ thông cài đặt, sử dụng ứng dụng định danh điện tử (VNeID). Ảnh: N.Q

9 NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP TRỌNG TÂM

Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận thì kết quả CĐS của tỉnh vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Tại lễ vận hành thí điểm IOC, ông Huỳnh Chí Nguyện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo CĐS tỉnh, phát biểu: “Đối với CĐS, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Qua sơ kết, tổng kết của ngành Thông tin - Truyền thông (TT-TT) thì DTI của tỉnh Bạc Liêu là một trong những địa phương có chỉ số thấp nhất, đây là điều đáng buồn”.

Năm 2021, Bộ TT-TT đánh giá DTI cấp tỉnh theo Quyết định 922, ngày 20/5/2022 của cơ quan này về việc phê duyệt Đề án “Xác định bộ chỉ số đánh giá CĐS các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và của quốc gia”. Trong lần đầu đánh giá, xếp hạng, Bạc Liêu xếp hạng cuối (63/63 tỉnh, thành phố). DTI có 8 chỉ số chính, gồm: nhận thức số, thể chế số, hạ tầng số, nhân lực số… Hầu hết các chỉ số chính này, tỉnh đều xếp ở nhóm rất thấp, chỉ riêng chỉ số hoạt động kinh tế số, Bạc Liêu đạt 54,44/150 điểm, xếp hạng 29/63 tỉnh, thành cả nước. Bước sang năm 2022, công tác CĐS của Bạc Liêu có sự chuyển biến hơn đôi chút, DTI tăng 3 bậc, xếp hạng 60/63 tỉnh, thành phố.

Từ thực tế trên, Bạc Liêu nghiêm túc ngồi lại đánh giá, phân tích nguyên nhân dẫn đến DTI quá thấp. So với Quyết định 1726 năm 2020 của Bộ TT-TT, thì Quyết định 922 vừa nêu có nhiều chỉ tiêu thay đổi, nên việc tham mưu, đề xuất các nội dung thực hiện để đạt các chỉ tiêu chưa kịp thời; một số nội dung chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó, đội ngũ công chức, viên chức thực hiện công tác CĐS còn thiếu cả chất và lượng; công tác tham mưu, đề xuất, phối hợp thực hiện CĐS chưa đáp ứng yêu cầu; nguồn lực thực hiện còn hạn chế…

Với quyết tâm cải thiện thứ hạng của địa phương, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch nâng cao DTI tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2023 - 2025. Theo đó, tỉnh sẽ thực hiện 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, chia làm 2 nhóm: giải pháp phi công nghệ và giải pháp công nghệ. Với điều kiện thực tế của mình, Bạc Liêu đang ưu tiên triển khai các giải pháp phi công nghệ. Ông Bùi Thanh Toàn - Giám đốc Sở TT-TT, cho biết: “Tỉnh nỗ lực thực hiện biện pháp thể chế số (ban hành văn bản chỉ đạo), đẩy mạnh tuyên truyền, thành lập thêm tổ công nghệ số cộng đồng,…”. Còn đối với giải pháp công nghệ, tỉnh cũng đang phát triển nền tảng dùng chung, tạo lập cơ sở dữ liệu, đầu tư hạ tầng. Và mới đây, ngày 4/10, lãnh đạo UBND tỉnh đã nghe các ngành TT-TT báo cáo việc bố trí kinh phí thực hiện mua sắm cấp bách mở rộng Trung tâm Dữ liệu tỉnh.

Vấn đề nâng cao DTI đang đối mặt với một số thách thức, vì vậy cần có lộ trình, thời gian và nguồn lực. Sau hơn 4 tháng thực hiện Kế hoạch 108, bước đầu công tác CĐS trong toàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực. Trong thời gian tới, tỉnh sẽ thực hiện một số dự án, trọng tâm là đầu tư hạ tầng kiến trúc ICT (công nghệ TT-TT) phát triển đô thị thông minh. Kiến trúc ICT được ví như hạ tầng giao thông, làm nền tảng cho cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh triển khai CĐS. Và để bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng, sắp tới Bạc Liêu tiến hành đấu thầu thuê dịch vụ giám sát và phòng, chống mã độc tập trung. Hoạt động giám sát và phòng, chống mã độc của tỉnh sẽ kết nối, chia sẻ với Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.