CHUYỂN ĐỔI SỐ

Xây dựng chính quyền số đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, doanh nghiệp

Thứ Hai, 09/10/2023 | 16:27

Trong xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Bạc Liêu đang phát triển cùng lúc chính quyền điện tử và chính quyền số để phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn. Địa phương đã tiến hành tin học hóa các hoạt động của chính quyền từ nhiều năm qua để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động. Và nay tiếp tục đưa các hoạt động quản lý, điều hành nhà nước lên môi trường số một cách an toàn.

Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Bạc Liêu được đưa vào vận hành thử nghiệm từ ngày 31/8/2023. Ảnh: N.Q

TRỰC TIẾP KẾT HỢP TRỰC TUYẾN

Gành Hào là thị trấn ven biển, có cửa biển lớn thuộc huyện Đông Hải, với dân số hơn 14.400 người, đến từ nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Về công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của địa phương, hiện UBND thị trấn vừa tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC bản giấy (trực tiếp), vừa tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

UBND thị trấn được trang bị đầy đủ các điều kiện để ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động. Đơn vị đang duy trì sử dụng, vận hành các hệ thống thông tin, phần mềm đã triển khai phục vụ công tác chuyên môn: phần mềm quản lý văn bản liên thông, phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm kế toán, phần mềm quản lý cư trú.

Từ đầu năm 2023 đến hết tháng 9, đơn vị đã tiếp nhận 12.519 hồ sơ TTHC và tất cả đã được giải quyết. Tuy nhiên, lượng hồ sơ bản giấy là chủ yếu, việc nộp hồ sơ trực tuyến chưa nhiều. Hồ sơ nộp trực tuyến chủ yếu ở các lĩnh vực công an đảm trách, 1.144 hồ sơ đăng ký cư trú nộp trực tuyến trong tổng số 1.987 hồ sơ lĩnh vực này.

Ông Bùi Chí Nguyện - Chủ tịch UBND thị trấn Gành Hào lý giải: “Trình độ tiếp cận thông tin của người dân còn hạn chế, việc đăng ký thực hiện TTHC trên Cổng thông tin còn mới nên người dân chưa tự thực hiện được. Đa số việc nhập dữ liệu cho người dân đều do công chức chuyên môn hướng dẫn, nên bước đầu gặp khó khăn, kéo dài thời gian thực hiện”. Ngoài ra, khi khai thác, đăng ký hồ sơ trên hệ thống Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) đòi hỏi tính chính xác so với thông tin của công dân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQGVDC). Thế nên, khi thực hiện hồ sơ dễ bị sai lệch và không được tiếp nhận, dẫn đến người dân e ngại khi sử dụng các tiện ích DVCTT trong yêu cầu giải quyết TTHC.

Thực trạng nêu trên của thị trấn Gành Hào cũng đã phản ánh phần nào thuận lợi, khó khăn của công tác phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số của Bạc Liêu hiện nay.

KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ

Sau mấy năm tiến hành chuyển đổi số, hạ tầng chính quyền số Bạc Liêu đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Hệ thống mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng, Nhà nước được duy trì, kết nối đến cấp huyện, cấp xã. Hệ thống hội nghị truyền hình kết nối thông suốt giữa 4 cấp, cơ bản phục vụ tốt các cuộc hội nghị trực tuyến từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh đảm bảo kết nối, liên thông với trục liên thông quốc gia và một số cơ quan Trung ương, đáp ứng yêu cầu chia sẻ dữ liệu dùng chung của tỉnh và kết nối, chia sẻ CSDLQGVDC.

Hệ thống giải quyết TTHC cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã đã công khai, minh bạch trong giải quyết TTHC của các cơ quan nhà nước và kết nối với CSDLQGVDC, gồm các dịch vụ: xác thực số định danh cá nhân và Chứng minh nhân dân; xác thực thông tin hộ gia đình và tra cứu thông tin công dân.

Tỉnh cũng đã số hóa toàn bộ dữ liệu hộ tịch tư pháp, đồng bộ 93% dữ liệu thông tin y tế với mã định danh công dân, tích hợp dữ liệu y tế với dữ liệu bảo hiểm y tế (BHYT) và dữ liệu mã định danh công dân đạt gần 95%. Tất cả cơ sở khám, chữa bệnh thực hiện tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng Căn cước công dân và toàn tỉnh có 1.189 đơn vị thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội, BHYT, bảo hiểm tai nạn.

Tuy nhiên, Bạc Liêu chưa triển khai Trung tâm Dữ liệu sử dụng công nghệ điện toán đám mây. Việc triển khai các nền tảng số và đầu tư trang thiết bị bảo mật an toàn, an ninh mạng chưa đạt yêu cầu, nguồn nhân lực cho lĩnh vực này còn nhiều yếu kém. Dù tỉnh đã tổ chức tuyên truyền và trực tiếp hướng dẫn người dân sử dụng các nền tảng số, nộp hồ sơ trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, song đến nay tỷ lệ hồ sơ trực tuyến chưa đạt 40% như yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh - Phạm Văn Thiều.

DÀNH NHIỀU NGUỒN LỰC CHO CHÍNH QUYỀN SỐ

UBND tỉnh vừa đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện công tác rà soát, đánh giá quy định TTHC năm 2024. Trong đó, có việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ trực tiếp người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Thực hiện rà soát, tái cấu trúc quy trình TTHC cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, để cắt giảm các thông tin phải khai báo khi thực hiện DVCTT. Ông Bùi Thanh Toàn - Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông, cho biết: “UBND tỉnh đã đồng ý nâng cấp Hệ thống DVCTT của tỉnh, do hiện nay hệ thống không đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị định 42 năm 2022 của Chính phủ quy định về việc cung cấp thông tin và DVCTT của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng”.

Để tiếp tục xây dựng chính quyền số giai đoạn 2023 - 2025, Bạc Liêu sẽ nâng cấp Cổng thông tin điện tử, xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh để chia sẻ, cung cấp dữ liệu cho cơ quan nhà nước, người dân, doanh nghiệp. Đưa các dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia vào sử dụng chính thức tại tỉnh.

Cùng với đó, nghiên cứu, đề xuất, lựa chọn, triển khai các nền tảng dữ liệu dùng chung: nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp tập trung; nền tảng số quản trị tổng thể, thống nhất toàn tỉnh phục vụ hoạt động chỉ đạo, điều hành và quản trị nội bộ của cơ quan nhà nước; nền tảng trợ lý ảo phục vụ người dân, doanh nghiệp; nền tảng trợ lý ảo phục vụ công chức, viên chức.

Quá trình phát triển Chính phủ điện tử đã diễn ra từ nhiều năm nay và cơ bản hoàn thành vào năm 2021 - 2022. Với việc ban hành Chiến lược phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Việt Nam đã bắt đầu khởi động tiến trình phát triển chính phủ số, thực hiện song song với phát triển chính phủ điện tử. Trong bối cảnh đó, tỉnh Bạc Liêu cũng vừa tiếp tục hoàn thiện chính quyền điện tử, cùng lúc với việc xây dựng chính quyền số với mục đích cuối cùng là nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, và phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Bạc Liêu đang triển khai Đề án phát triển đô thị thông minh giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2023, với nguyên tắc lấy người dân làm trung tâm. Đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt ngày 8/2/2022. Đô thị thông minh được xây dựng trên 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

NGUYỄN QUỐC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.