Giáo dục - Học Đường

Từ vụ “Trường THCS Hưng Phú: Học sinh đòi lại tiền do... thi rớt tuyển sinh lớp 10”

Nghĩ về công nghệ… học ngày nay

Thứ Tư, 09/08/2017 | 15:14

Tôi là một phụ huynh có con sắp hoàn thành chương trình tiểu học. Nhân đọc bài báo “Trường THCS Hưng Phú: Học sinh đòi lại tiền do... thi rớt tuyển sinh lớp 10” trên báo Bạc Liêu, số 2890 ra ngày 7/8/2017 và nghiệm từ những điều trông thấy xung quanh chuyện học hành của con em mình, tôi xin góp tiếng nói từ phía phụ huynh về công nghệ… học hiện nay.

Học sinh Trường THPT Chuyên Bạc Liêu tại lễ khai giảng năm học mới 2016 - 2017. Ảnh minh họa: C.T

Trước hết, tôi không bình luận việc nhà trường có hay không có thỏa thuận về chuyện trả lại 50% tiền phí ôn thi nếu học sinh thi không đậu, hay việc phụ huynh đòi tiền… là đúng hay sai. Chỉ là từ vụ việc này, tôi muốn nói ra những suy nghĩ của mình - với tư cách là một phụ huynh, là một người trước đây cũng từng là học trò ngồi trên ghế nhà trường.

Học phụ đạo, học thêm, học ôn thi…, những kiểu học này không nằm trong chương trình chính thức của Bộ GD-ĐT. Nghĩa là nó phát sinh theo yêu cầu và nhu cầu của người dạy và người học. Tôi hoàn toàn không chỉ trích việc dạy thêm - học thêm, vì bản chất của nó nếu ở một chừng mực nhất định thì cũng là nhằm cho con em mình tiến bộ hơn. Một nhóm lớp với số lượng học sinh vừa phải, không khí thoải mái trao đổi giữa cô - trò, giữa những người bạn với nhau trong một không gian thoáng mát tại nhà cô, tôi cho rằng đó là môi trường thích hợp và bổ ích để học trò học tốt hơn. Học thêm được bố trí thời gian hợp lý, không mang tính chất “chạy sô” để học thì sẽ không dẫn đến những hệ lụy cho trẻ nhỏ như báo chí thường nêu, tôi từng đọc bài báo nói về những “siêu nhân” thời nay, đó là những học trò với lịch học chóng mặt, sáng học trường, chiều học phụ đạo, tối về học nhà cô, chưa kể thứ Bảy, Chủ nhật cũng học, toàn học là học, không hại não thì cũng hư… mắt vì suốt ngày cắm đầu vào chữ nghĩa. Tôi  thà cho con mình thua thiệt bạn bè chứ không lùa con vào một guồng máy “siêu nhân” như thế, một “công nghệ học” hiện đại đến “hại”… con như thế!

Ông bà ta đã dạy “chọn bạn mà chơi”, giờ phụ huynh râm ran bàn tán với nhau câu “chọn cô mà học”. Vâng! Khi cho con mình đi học thêm hoặc ôn luyện để thi cử, nhiều phụ huynh đã vô tình tạo thành một cuộc đua ngầm cho giáo viên. Theo tôi, các cô có lẽ chẳng cần phải tham dự các cuộc thi giáo viên dạy giỏi làm gì, chỉ cần dạy những lớp luyện thi sao cho học trò đậu vào các lớp chất lượng cao, các lớp chuyên thật nhiều thì tự khắc tiếng tăm sẽ lẫy lừng, sẽ trở thành “hot”. Nói điều này, tôi có một minh chứng. Hè qua: tôi gửi con học hè tại nhà cô giáo cũ, một là vì con rất mến cô, hai là vì tôi nghĩ cô giáo cũ thân thiết hơn nên tôi gửi với ý nghĩa nhờ cô trông nom giúp để tôi tiện bề làm việc. Thế mà, khi nghe tôi quyết định như vậy, nhiều phụ huynh cho rằng tôi không… thức thời. Họ bảo, tụi nhỏ học xong lớp đó rồi thì mình phải kiếm cô giáo dạy con mình năm tới mà gửi, ai đời lại đăng ký học cô cũ! Nhóm phụ huynh khác thì “hiến kế” cho tôi cô A., thầy B. để gửi vào học, chắc chắn là sẽ thi đậu vào trường chuyên, mặc dù còn 2 năm nữa con tôi mới tham gia thi tuyển… Tôi rất cảm ơn thành ý của họ, nhưng đằng sau những buổi tranh luận nên gửi con mình cho cô nào để con học giỏi, thi tốt, tôi có cảm giác các phụ huynh đang đưa các cháu vào một công nghệ học hành như máy móc: chọn cô tốt để học, thầy giỏi để gửi, không cần biết ở những “lò luyện” chuyên nghiệp đó, con mình có “đeo” nổi với các nhóm bạn trình độ khác nhau, ở những trường học, lớp học khác nhau - nếu chẳng may cháu học yếu hơn!

Nói đến đây tôi xin trở lại với bài báo như nêu trên. Thi thì phải có đậu, có rớt. Không ai, từ thầy cho đến trò dám chắc chắn 100% thi là sẽ đậu. Vậy thì theo thiển ý của tôi, không nên có cái thỏa thuận thi rớt hoàn tiền để dẫn tới hệ quả tất yếu là khi rớt thì phụ huynh và học sinh đòi tiền giáo viên, nhà trường! Tình thầy - trò cần lắm sự trân trọng, lòng tôn kính từ xưa đến nay, dù thời buổi hiện đại, tân tiến đến mấy thì không thể đánh mất vì… tiền! Chưa ngã ngũ việc đòi tiền ôn thi và việc nhà trường thỏa thuận trả tiền là có hay không, và có thi hành như thỏa thuận…, nhưng điều thấy ngay từ vụ việc này là có một sự sòng phẳng đến lạnh lùng giữa thầy và trò. Chuyện dạy và học giống như trao đổi, mua - bán kiến thức, không đúng “hợp đồng” thì hoàn tiền lại?!

Học thêm - dạy thêm không bao giờ có hồi kết. Vì thật sự, rất nhiều phụ huynh có nhu cầu gửi con học thêm để con mình tiến bộ. Học thêm - dạy thêm chỉ báo động khi đưa những đứa trẻ vào một “công nghệ học hành” chẳng khác gì cuộc đua khốc liệt, bán - mua kiến thức sòng phẳng đến vô tình!

Con cái học hành giỏi giang, đó là ước mong của những bậc làm cha, làm mẹ. Nhưng các em cũng cần một môi trường thích hợp để phát triển về cả thể chất lẫn tinh thần. Tôi là một phụ huynh, tôi cũng cho con học thêm nhưng tôi gửi vào những lớp con mình thấy có nhiệt tình học hành, và những cô mà con tôi thấy yêu mến như “người mẹ thứ hai” của con. Đầu tư cho con, tôi nghĩ cần để cho con có một trái tim biết yêu mến thầy cô, đừng coi chuyện học như chuyện bán - mua kiến thức!

Bảo Trâm (Phường 1, TP. Bạc Liêu)

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.