Giáo dục - Học Đường

Chốt phương án kỳ thi THPT quốc gia năm 2015: Thuận lợi và bất cập

Thứ Tư, 17/09/2014 | 08:42

Thay vì tổ chức 2 kỳ thi riêng lẻ như trước đây, năm 2015 Bộ GD-ĐT quyết định tổ chức kỳ thi THPT quốc gia duy nhất với 2 mục tiêu: xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở để các trường tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ). Phương án này có rất nhiều điểm mới thuận lợi cho thí sinh (TS), song vẫn còn khá nhiều bất cập.

Nhiều điểm mới có lợi cho thí sinh

Theo Quyết định 3538 của Bộ GD-ĐT thì từ năm 2015 sẽ tổ chức 1 kỳ thi THPT quốc gia từ ngày 9 - 12/6 hàng năm. TS phải thi 4 môn tối thiểu bao gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, TS có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Riêng TS đã tốt nghiệp các năm trước chỉ đăng ký các môn thi phục vụ tuyển sinh ĐH, CĐ. TS không học môn Ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không đảm bảo chất lượng được chọn môn thay thế trong nhóm môn tự chọn (TS có chứng chỉ Ngoại ngữ theo quy định của Bộ GD-ĐT sẽ được miễn thi môn Ngoại ngữ).

Để đạt kết quả cao trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2015, học sinh lớp 12 nên có thái độ học tập tích cực ngay từ bây giờ. Trong ảnh: Giờ học Toán của học sinh Trường THPT Chuyên Bạc Liêu. Ảnh: Đ.K.C

Ông Thái Đình Hướng, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Thị Riêng:

Việc tổ chức thi theo cụm sẽ gây ra một số bất lợi. Nếu TS Bạc Liêu tham gia thi tại các cụm khác thì chi phí đi lại, thi cử cũng sẽ tương đương như tham gia 2 kỳ thi riêng rẽ. Giả sử, nếu Bạc Liêu sẽ là một cụm thi do Bộ GD-ĐT chỉ định thì khi ấy lượng lớn TS, phụ huynh sẽ đổ về Bạc Liêu và vấn đề chỗ ở, phòng thi, giao thông… sẽ vô cùng nan giải. Tội nhất vẫn là TS ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện đi lại, học tập vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên ít nhiều sẽ chịu thiệt thòi hơn TS các thành phố lớn. Và việc chênh lệch trình độ, kiến thức giữa các “vùng trũng” với thành thị là vấn đề chúng ta cần lưu tâm để các TS đều có lợi như nhau…

Đối với các môn Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý sẽ thi tự luận với thời gian 180 phút; các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Ngoại ngữ thi trắc nghiệm với thời gian 90 phút. Không chỉ vậy, đề thi còn đánh giá TS ở 4 mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao, đảm bảo một cách tối ưu khả năng phân hóa trình độ TS. Việc coi thi, chấm thi sẽ được tổ chức theo cụm, Bộ sẽ giao nhiệm vụ chủ trì coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. Riêng các TS chỉ dự thi để xét công nhận tốt nghiệp THPT sẽ thi theo cụm do Sở GD-ĐT chủ trì, phối hợp với các trường ĐH, CĐ. Đồng thời, trước ngày 1/1 hàng năm các trường ĐH, CĐ phải công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh. Nghĩa là, TS sẽ không phải đăng ký tuyển sinh vào các ngành đào tạo, các trường trước khi kỳ thi diễn ra. Việc này sẽ tránh cho TS không phải chịu rủi ro cao, không bỏ sót những TS có điểm thi tốt nhưng đăng ký ngành thi quá sức…

Giáo viên của các trường cho rằng, khi ghép 2 kỳ thi thành 1 thì sẽ đỡ tốn kém, vất vả cho toàn xã hội; học sinh sẽ giảm bớt áp lực thi cử sau kỳ thi tốt nghiệp THPT; giảm bớt tình trạng nhồi nhét, dồn ứ ở các lò luyện thi cấp tốc; đây cũng là cơ hội tốt để giáo viên tại các đơn vị phát huy năng lực, sở trường trong việc ôn thi cho học sinh cuối cấp…

Vẫn còn nhiều NỖI LO

Tuy nhiên, nhiều người còn tỏ ra băn khoăn, lo ngại vì trong những điểm mới đã nêu vẫn tiềm ẩn khá nhiều bất cập. Một số phụ huynh, học sinh bày tỏ băn khoăn: Dù biết Bộ GD-ĐT đã cân nhắc kỹ khi chốt phương án, nhưng nếu áp dụng ngay năm 2015 thì liệu rằng học sinh lớp 12 có kịp thích nghi và điều chỉnh cách học hay không? 9 tháng để chuẩn bị cho kỳ thi tuy dài, nhưng vẫn không đủ cho những đổi mới. Với kiểu thi này thì TS khối A và C sẽ gặp nhiều bất lợi.

Riêng các thầy cô trực tiếp đứng lớp ôn luyện cũng đang chịu nhiều áp lực trước kỳ thi chung này. Băn khoăn lớn nhất của họ là làm sao để điều chỉnh phương pháp giảng dạy, ôn luyện của mình theo hướng có lợi cho học sinh. Bởi căn cứ theo đề thi Ngữ văn đại học những năm trước tuy chỉ tập trung ôn chương trình lớp 12, nhưng trong đề thi vẫn có chương trình lớp 11. Do vậy, với 1 kỳ thi như năm nay, khả năng chương trình lớp 11 nằm trong đề thi là hoàn toàn có thể xảy ra, nếu ôn tập không khéo TS sẽ bị hụt hẫng và kết quả đạt được không như mong đợi. Quan ngại lớn nhất vẫn là việc tổ chức coi thi, chấm thi theo cụm do trường ĐH, CĐ chủ trì. Bởi trước nay họ chỉ quen với việc giảng dạy và chấm điểm theo chuyên ngành đào tạo tại các trường, nên việc cho điểm các môn cơ bản sẽ vấp phải khó khăn, gây thiệt thòi cho TS.

Dù có rất nhiều ý kiến trái chiều xoay quanh việc có lợi và bất cập khi áp dụng một kỳ thi quốc gia duy nhất, tuy nhiên phương án đã được chốt lại và những luồng dư luận kia chỉ mang tính chất tham khảo. Trước khi chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ, các sĩ tử lớp 12 hãy sẵn sàng tâm thế và kiến thức để đối diện với thử thách mới!

KIM TRÚC

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.