Cần phát huy giá trị của văn học địa phương

Thứ Tư, 13/09/2017 | 16:32

Văn học địa phương là vốn quý báu của các tỉnh, thành phố trong cả nước nói chung, Bạc Liêu nói riêng. Thời gian qua, văn học địa phương được một số trường học và nhiều ngành quan tâm, nhưng chưa thật sự phát huy hết giá trị của mảng kiến thức này.  

Văn học địa phương được hiểu là những sáng tác văn học của các tác giả trong một khu vực địa lý cụ thể. Nó phản ánh đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng dân cư ở một địa bàn cư trú nhất định và mang bản sắc riêng, độc đáo, có tính chất đặc thù của vùng, miền, địa phương đó. Đối với Bạc Liêu, những điệu lý, câu hò hay những mẩu chuyện, giai thoại… lưu dấu ấn hình thành và phát triển vùng đất Bạc Liêu, đều là những bài học đầu đời cho thế hệ trẻ. Trong đó, nhiều mẩu chuyện dân gian cũng tạo nên nét văn hóa riêng biệt giúp Bạc Liêu không lẫn với bất kỳ vùng đất nào khác. Tiến sĩ văn hóa Trương Thu Trang (Phó Trưởng bộ môn Ngữ văn, Trường đại học Bạc Liêu) cho biết: “Truyện kể, truyền thuyết về lịch sử hình thành vùng đất Bạc Liêu, hoặc ca dao, dân ca về tình đất, tình người của vùng đất này chính là không gian để mọi người, nhất là người yêu văn chương tưới tắm tâm hồn mình. Nhiều sinh viên Trường đại học Bạc Liêu thường tìm tòi những tác phẩm nổi bật của nhiều tác giả Bạc Liêu để nghiên cứu và học tập, ví dụ như bút ký Phan Trung Nghĩa, thơ Lâm Tẻn Cuôi…”. Còn bạn Bùi Võ Tấn Phát (sinh viên lớp 9CVNH - Trường đại học Bạc Liêu) thì thấy điểm mạnh khác của văn học địa phương: “Tôi đã quan tâm đến văn học Bạc Liêu từ khi còn học THPT. Tôi cũng hay tìm đọc những tác phẩm về các anh hùng liệt sĩ, về nghệ nhân Cao Văn Lầu, di tích lịch sử Đồng Nọc Nạng… nhằm bổ sung kiến thức cho bản thân. Từ đó, tôi sẽ vận dụng vào những bài thuyết minh để sau này có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp, lấy lòng du khách bằng kiến thức văn học địa phương sâu sắc của mình”.  
Ngoài việc đưa văn học địa phương vào giảng dạy ở các trường phổ thông, thì hoạt động văn học địa phương trong một năm thường gồm có: tổ chức ngày thơ vào dịp Tết Nguyên tiêu, tổ chức các trại sáng tác, tài trợ tác phẩm, xét kết nạp hội viên, trao giải thưởng, ra mắt sách - tập thơ… Thế nhưng, thực tế mà nói, một số hoạt động vẫn theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa” chứ chưa đi sâu khai thác và phát huy giá trị mà văn học địa phương mang lại. 

Tiến sĩ Trương Thu Trang đang truyền đạt kiến thức lồng ghép văn học địa phương cho sinh viên Trường đại học Bạc Liêu. Ảnh: N.V


Ông Nguyễn Vũ, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VH-NT tỉnh chia sẻ: “Sáng tác văn học là một chuyên ngành đặc thù, đòi hỏi cần nhiều kỹ năng của các tác giả. Trước đây, mỗi năm chúng tôi chỉ tổ chức một trại sáng tác để các tác giả trải nghiệm thực tế và sáng tạo tác phẩm, nhưng trong năm 2017, chúng tôi tranh thủ tổ chức 2 trại sáng tác. Mục đích là để mở rộng biên độ về không gian cho hội viên có cảm xúc mới mẻ, so sánh hơi thở cuộc sống ở các vùng miền khác nhau ra sao… nhằm tạo ra nhiều tác phẩm có chất lượng hơn”. 
Mong rằng qua những chuyến thực tế đó sẽ chắp cánh cho những câu chữ bay xa hơn, lột tả chân thực hơn về quê hương của mình. Để phát triển và phát huy lĩnh vực này, bên cạnh những chuyến sáng tác thì cũng nên tổ chức những buổi gặp gỡ một số tác giả, nhà văn, nhà thơ tiêu biểu của tỉnh, nghe họ trao đổi và định hướng nhằm “tiếp lửa” cho đội ngũ sáng tác (đặc biệt là thế hệ trẻ), dành sự quan tâm nhất định đến mảng văn học quê hương mình. 
Ngọc Trân 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.