Giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer

Thứ Tư, 16/09/2020 | 17:47

Bạc Liêu là địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đan xen cùng với các dân tộc anh em Kinh và Hoa. Bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào Khmer chính là niềm tự hào của phum sóc, rất cần được giữ gìn và phát huy.

Đường dẫn vào chùa Kos Thum - một trong những ngôi chùa của đồng bào dân tộc Khmer có kiến trúc đẹp ở huyện Hồng Dân. Ảnh: C.L

Nâng cao các giá trị văn hóa

Để bảo tồn và phát huy giá trị những di sản văn hóa như: nghệ thuật truyền thống, trang phục, ẩm thực, lễ hội…, thời gian qua các địa phương có đông đồng bào Khmer sinh sống đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Bên cạnh đó, đời sống ngày càng được nâng cao cũng đã tạo điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer tiếp xúc với sản phẩm văn hóa mới. Hơn hết, sự quan tâm chăm lo đời sống cho đồng bào Khmer của Đảng và Nhà nước không chỉ có tác động tích cực đến chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, mà còn góp phần làm chuyển biến đời sống của đồng bào trên tất cả các lĩnh vực. Ông Sơn Huynh (ngụ xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu) chia sẻ: “Từ khi được Đảng, Nhà nước chăm lo, hỗ trợ đồng bào Khmer phát triển sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần của chúng tôi ngày càng khởi sắc hơn. Từ đó, nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống của người Khmer trước đây khá trầm lắng, thậm chí là mai một, nay đã được phục hồi và phát triển, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu trong các dịp lễ tết của cộng đồng Khmer”.

Trong văn hóa tín ngưỡng của người Khmer, chùa không chỉ là nơi tụng kinh, thực hiện nghi lễ của Phật giáo mà còn là nơi tổ chức dạy chữ Khmer, tổ chức lễ hội, truyền bá kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, đó cũng là nơi gìn giữ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể độc đáo của đồng bào Khmer, có thể tìm thấy những đội kèn, trống, nhạc ngũ âm, đội ghe Ngo… ở hầu hết các ngôi chùa Khmer. Chùa Đìa Muồng (xã Vĩnh Phú Đông, huyện Phước Long) là một trong những ngôi chùa Khmer lâu đời và có nét kiến trúc khá độc đáo, đặc trưng cho lối kiến trúc chùa Khmer Nam Bộ xưa. Tại đây, có một đội ghe Ngo khá nổi tiếng, thường xuyên góp mặt tại những sự kiện của tỉnh, nhất là các lễ hội đua ghe Ngo trong và ngoài tỉnh và đều đạt được thứ hạng cao. Anh Nguyễn Hồng Khanh, thành viên đội ghe Ngo chùa Đìa Muồng, chia sẻ: “Mỗi khi sắp đến hội thi hay lễ hội là anh em trong đội đều luyện tập rất chăm chỉ. Không chỉ vậy, bà con trong xóm cũng luôn ủng hộ hết mình vì ai cũng hiểu rằng đội đua ghe Ngo là hình ảnh của phum sóc mình. Vì thế, người góp công, người góp của để tu sửa, trang trí cho ghe đua của địa phương mình lộng lẫy nhất có thể. Và nó đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa của đồng bào Khmer trong phum sóc từ rất lâu”.

Bảo tồn và phát huy

Trong dòng chảy hội nhập và phát triển hiện nay, những di sản văn hóa của đồng bào Khmer ngày càng có sự giao thoa. Từ đó, việc bảo tồn bản sắc văn hóa vốn đã như một chỉnh thể cũng ngày càng quan trọng hơn. Có thể tìm thấy những nét đẹp thuộc về phong tục, tập quán đã được kết tinh qua hàng trăm năm của đồng bào Khmer Nam Bộ nói chung, Bạc Liêu nói riêng ở những lễ hội truyền thống như: Chôl-chnăm-thmây, Sen Đôn-ta, Oóc-om-bóc… Tuy nhiên hiện nay, trừ các dịp lễ tết truyền thống, phần lớn đồng bào Khmer sử dụng ngôn ngữ, trang phục, ẩm thực… như người Kinh. Bởi thế, một bộ phận đồng bào Khmer, nhất là giới trẻ dường như đang dần “lãng quên” bản sắc văn hóa dân tộc. Dễ thấy hình ảnh các chàng trai, cô gái trong các phum sóc ngày nay rất ít khi sử dụng trang phục truyền thống, ngôn ngữ của dân tộc mình.

Ông Nguyễn Văn Út - Phó trưởng phòng Dân tộc huyện Hồng Dân, cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, muốn bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer thì cần tích cực truyền dạy cho thế hệ trẻ lưu giữ. Đây là công việc phải thực hiện thường xuyên và lâu dài thông qua việc tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của cộng đồng nói chung, thế hệ trẻ nói riêng. Bên cạnh đó cũng cần xã hội hóa các hoạt động văn hóa, thể thao… trong vùng có đông đồng bào dân tộc nhằm thu hút đông đảo người dân tham gia, để từ đó nâng cao ý thức của đồng bào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống”.

Khánh Nguyên

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.