Ký ức một thời

Tháng Sáu trời mưa…

Thứ Sáu, 28/06/2024 | 15:52

Bạc Liêu vào hạ. Song, dường như cứ phải đợi cho đến tháng Sáu mới thật sự bừng lên đầy đủ mọi cung bậc của mưa. Mưa tháng Sáu Bạc Liêu chất chứa đầy những thương những nhớ, những vướng vít trầm buồn… Tháng Sáu trời mưa làm cho cảnh sắc Bạc Liêu đầy trầm tư, giăng mắc nỗi niềm khiến cho một U60 lập cập lần trở về với hoài niệm xưa nhưng không bao giờ cũ cả.

Thị xã Minh Hải (Bạc Liêu) ngày ấy chỉ có mấy con đường dài. Đường từ chợ ra biển nhãn; đường từ chợ xuống cầu Sập; đường từ chợ lên Cái Dầy; đường từ chợ ra xã Hưng Thành, Hưng Hội; và con đường Trần Phú. Mưa ở Bạc Liêu lạ lắm. “Mưa ở Bạc Liêu buồn như lá mạ/ Nắng ở Bạc Liêu cũng thật hiền hòa”. Sống ở xứ này, đôi lúc chạy xe lang thang trong mưa, nghe lòng “buồn như lá mạ”, cũng dễ hiểu mà.

“Mây đen kìn kịt kéo về/ Rồi chiều thứ Bảy dầm dề mưa tuôn/ Màn mưa ụp xuống phũ phàng/ Bao nhiêu cuộc hẹn hò dang dở rồi/ Mưa làm chi vậy, mưa ơi”. Không có bồ, nhưng than thở dùm cho những người hẹn hò nhau mà chiều thứ Bảy ông trời nỡ lòng phũ phàng mưa. Những sợi mưa giăng như chắp thêm bồn chồn, thắc thỏm thay cho người ta mong mưa sớm dứt. Rồi mưa cũng dứt, những chú học trò cấp 3 đạp xe dọc theo con đường Trần Phú, mỗi bận ánh nhìn chạm vào thằng bạn nào đang gò mình đạp xe chở “bồ tèo” của nó sau lưng, bỗng nghe dọc sống lương mình “nhói” lên một chặp. Ngày ấy, có đủ thứ ràng buộc chú học trò cấp 3 thúc thủ cái “định kiến ngàn đời”. Ngoài cái tánh nhút nhát cố hữu, điều mà chú trò tự “mặc định” cho mình ấy là để ý ai thì phải thương, thương con người ta thì phải cưới… Không được để ý nhỏ nào mà ba mẹ “nó” giàu có hoặc “làm lớn” hơn cha mẹ mình. Ây da. Sau này ngẫm lại, tốt nghiệp cấp 3 nhưng chưa biết nụ hôn là gì, đó đâu phải thành tựu đâu hà.

Minh họa: V.T

Lang thang riết tủi thân. Chú học trò tự kỷ thôi không đạp xe lòng vòng thị xã nữa. Cái thị xã nhỏ bằng bàn tay, tối thứ Bảy hằng tuần vắng chiếc xe đạp đòn dong sơn màu hột nhãn không vì thế mà vắng vẻ thêm. Không lang thang nữa, chú trò nhỏ đi phụ chạy bàn quán cà phê “tình yêu” cho một người anh. Hằng buổi tối nhập tâm những “phê đá, đá me, mủ gòn, cam vắt…”, song chú trò vẫn dỏng tai nghe cặp loa cát-sét phát ra những bản tình ca sướt mướt. “Sao anh nỡ đành quên bao lời tha thiết mong chờ, sao anh nỡ đành quên chuyện tình đẹp như giấc mơ. Anh ơi nếu một mai có ai hỏi người tên ấy, biết nói gì đây hỡi anh, mà anh nỡ đành quên…”.

Câu ca ấy càng “bắt vít” chú học trò cấp 3 “dính cứng” vào với cái quan niệm “xưa nhất quả đất”chẳng giống ai của chú. Biết đâu, đọc đến đây, Gen Z bây giờ đang nhận ra quả thực có cái điều chi quái dị lắm lắm, khi đem so sánh với “love story” ở thì hiện tại!

Xin kể tiếp đây. Trong những cuộc bạn bè tụ tập, chú học trò tự kỷ tuy cười cười nói nói nhưng lắm bận vẫn nghe tim mình nhói lên tan nát mỗi lúc có thằng bạn nào thể hiện ga-lăng với cô bạn ấy. Để càng thêm tự kỷ, càng thu mình vào cái vỏ ốc do chính mình tạo nên. Có một chuyến cả nhóm đi chơi chung ở Hòn Đá Bạc. Leo dốc thấm mệt, chừng nhìn lại thì đám bạn tinh quái đã biến đi đâu hết cả, chỉ còn lại chú trò và cô bạn. “Thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đây rồi! Vậy mà chú trò lơ ngơ láo ngáo vẫn cố thủ trong lô-cốt với ba cái mớ triết lý ruồi của một con mọt sách: “Để ý thì phải thương. Thương thì…”. Hai đứa ngồi hai tảng đá nhìn sóng ì oặp hôn bờ, chẳng ai nói với ai câu gì. Để rồi đêm về thẫn thờ, tiếc nuối, tự trách, lụi hụi chép vào nhật ký học trò: “Ngày ấy mắt anh gặp ánh mắt em/ Hai đứa lặng im, kề bên bối rối/ Biển tựa như lòng, xôn xao sóng dội/ Mà ta như tảng đá lặng câm” (“Ngày ấy”, Nguyễn Vỹ).

Có một an ủi cho chú học trò, đó là gần đôi chục năm sau, khi ai cũng đã có một gia đình nhỏ ấm êm, chú trò khi này đã là một gã U50, sau một cuộc họp lớp, đã… liều lĩnh đem cuốn lưu bút học trò của mình đưa cô chủ nhiệm đọc. Một tháng sau trả lại cuốn nhật ký, cô chủ nhiệm nhìn thẳng mắt chú học trò mà rằng: “Sao em biết hồi đó bạn không thương em?!”. Ui trời! Câu hỏi mà cũng là câu thông điệp đã mở bung ra một khung trời an ủi quá lớn. Chú học trò trung niên bỗng thấy mình… nhát như xưa. Rồi cồn cào mong ngày đẹp trời nào đó cô bạn đọc dùm cuốn nhật ký học trò của chú một lần. Cuốn nhật ký có đến hơn 50% là “love story” ở thì hiện tại lúc ấy. Rồi lại nghĩ, điều không nói có khi lại là điều đẹp nhất. Và có lẽ, an ủi lớn nhất của chú trò tự kỷ năm xưa, nay đang là một U60, đó là chị bạn chung nhà và chị bạn học ngày ấy nay đang là một cặp bạn bè; và anh bạn chung nhà với chị bạn học năm xưa cùng chú trò U60 cũng đang là một cặp… bạn bia đầy ăn ý, mỗi khi bạn bè có dịp tụ tập.

Dọc theo hàng me đong đầy kỷ niệm, chú học trò U60 nhớ lại đoạn cuối bài thơ lụi hụi chép vào nhật ký học trò năm ấy: “Cái phút hai ta như tảng đá câm kia/ Vẫn cứ dội vào lòng anh tiếng sóng/ Giá bên nhau cất được lời như biển/ Ta đâu xa cách đến giờ” (“Ngày ấy”, Nguyễn Vỹ). Lại mơ tưởng đến câu: “Tháng Sáu trời nắng, tháng Sáu trời mưa/ Em giữ riêng em khoảng trời màu tím/ Anh có trở về, bước chân xin tìm đến/ Có khoảng trời tháng Sáu của riêng anh/ Tháng Sáu qua rồi, em biết một mình em” (“Điệp khúc tháng Sáu”, Từ Dạ Thảo).

Khánh An

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.