Phát triển du lịch biển phải gắn với bảo vệ môi trường

Thứ Tư, 21/08/2013 | 16:38

Là vùng đất có nhiều “đặc sản” về du lịch, Bạc Liêu đang khẳng định là “dấu cộng” đầy tiềm năng trong tua “một điểm đến - bốn địa phương +” của ĐBSCL. Trong đó, du lịch biển là một loại hình du lịch hấp dẫn với bất kỳ ai ghé qua vùng đất này. Phát triển du lịch biển gắn với bảo vệ môi trường biển là việc làm cần thiết, để ngành “công nghiệp không khói” này phát triển ổn định, bền vững trong tương lai.

Du lịch biển được khai thác hiệu quả

Được thiên nhiên ưu đãi đường bờ biển dài 56km, Bạc Liêu đã biến biển trở thành thế mạnh để phát triển du lịch. Một tua du lịch liên hoàn trải dài trên trục giao thông giáp biển từ phường Nhà Mát (TP. Bạc Liêu) đến thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải) là minh chứng rõ nét nhất.

Khu du lịch Nhà Mát là nơi tập trung nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai với quy mô ấn tượng. Đến đây, du khách sẽ được nếm thử nhiều món ăn của các nhà hàng mang hương vị riêng xứ biển, cùng các dịch vụ nghỉ dưỡng chất lượng. Muốn dân dã hơn thì có thể tạt vào những hàng quán hải sản vỉa hè. Vừa thưởng thức những con vọp, ghẹ, ốc tươi rói, vừa phóng tầm mắt dõi theo những đoàn tàu đánh cá cũng là một sự trải nghiệm thú vị. Hay những vạt rừng mắm, đước bạt ngàn quanh năm chắn sóng biển cũng là điểm du lịch sinh thái vô cùng độc đáo. Dưới những tán rừng xanh mát, du khách sẽ được du ngoạn trên chiếc xuồng con, để đắm mình trong thiên nhiên thơ mộng có tiếng sóng vỗ lăn tăn, tiếng chim muông lảnh lót.

Người dân và du khách vứt rác bừa bãi trên bãi bồi của khu du lịch Nhà Mát. Ảnh: H.T

Nếu một lần đến với Bạc Liêu vào những ngày 8 - 10/1 hay 9 - 11/3 âm lịch, du khách sẽ được hòa mình vào không khí vui nhộn của Lễ hội Nghinh Ông truyền thống tại xã Vĩnh Thịnh (huyện Hòa Bình) và thị trấn Gành Hào (huyện Đông Hải). Mới sáng tinh mơ, hàng trăm tàu cá với cờ hoa sặc sỡ, trống chiêng vang rền tiến ra cửa biển và cung thỉnh Ông về lăng. Không chỉ được đắm mình vào lễ hội đặc sắc này, du khách còn có dịp tìm hiểu, giao lưu văn hóa với những người dân quanh năm bám biển.

Thờ ơ với môi trường biển?!

Hiện nay, du lịch biển của Bạc Liêu phát triển tương đối khá, nhưng bảo vệ môi trường biển thì vẫn còn nhiều chuyện đáng bàn. Chính tình trạng ô nhiễm môi trường đang làm cho hình ảnh du lịch Bạc Liêu bị “mất điểm” với du khách gần xa. Mặc dù ngành chức năng đã có nhiều giải pháp tuyên truyền bảo vệ môi trường, nhưng chẳng mấy tác dụng với nhiều người dân. Thay vì bỏ rác đúng nơi quy định thì nhiều nhóm thanh niên khi đến khu du lịch Nhà Mát ăn uống vẫn “tiện tay” gửi rác theo dòng nước biển hay vứt bừa bãi trên bờ đê. Ngoài ra, những tiểu thương kinh doanh các mặt hàng hải sản cũng kém ý thức trong việc bảo vệ môi trường. Dù thùng rác công cộng đã được bố trí, nhưng họ vẫn vô tư vứt vỏ các loại hải sản, túi ni-lông, hộp nhựa một cách vô tội vạ. Thậm chí, nhiều loại hải sản chết cũng được họ cho xuống biển mà chẳng chút đắn đo. Khi nước ròng thì chúng gây mùi hôi thối, còn khi nước lớn lại bị cuốn trôi đi làm ô nhiễm nguồn nước biển.

Trước đó, nhà hàng Hương Biển đã thể hiện sự “sáng tạo” trong việc “bảo vệ” môi trường biển bằng cách đào hố chôn rác thải xuống bờ cát. Tuy nhiên, sự “sáng tạo” này lại phản tác dụng. Khi nước lớn làm cho rác nổi lên, đến khi thủy triều rút thì rác vướng vào thân các cây mắm, đước xung quanh lối dẫn vào nhà hàng. Và đến nay cũng chẳng thấy Ban quản lý nhà hàng có động thái gì để khắc phục hậu quả.

Sau các lễ hội gắn liền với biển như: Nghinh Ông, vía Bà Nam Hải thì rác thải tràn ngập ở những nơi này. Còn với những hộ dân sống ven biển, do thói quen sinh hoạt cũng biến biển thành “thùng rác” bất đắc dĩ. Hậu quả cuối cùng là ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển.

Ông Nguyễn Vũ, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, cho biết: “Sắp tới, chúng tôi sẽ tập trung nâng cấp các công trình du lịch truyền thống và khai thác mới các sản phẩm du lịch biển. Song song đó, chúng tôi sẽ kết hợp với các ngành hữu quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường biển. Bởi đối với các dự án đầu tư cho du lịch thì vấn đề bảo vệ môi trường luôn được đặt lên hàng đầu”.

Để biển là nguồn tài nguyên vô tận phục vụ cho phát triển du lịch, đòi hỏi ngành chức năng phải có chiến lược bảo vệ và khai thác có hiệu quả. Du lịch biển Bạc Liêu sẽ đẹp và thân thiện hơn khi tất cả người dân và du khách đều có ý thức trong việc bảo vệ môi trường biển.

Hữu Thọ

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.