Bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch

Thứ Hai, 08/04/2019 | 16:34

Trong tiến trình hình thành và phát triển, các thế hệ tiền nhân Bạc Liêu đã sáng tạo ra và để lại nhiều di tích có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học và thẩm mỹ. Đó là tài sản vô cùng quý báu của nơi hội tụ 3 dòng văn hóa Kinh - Khmer - Hoa. Đó là chất liệu gắn kết cộng đồng, cơ sở sáng tạo những giá trị mới và đặc biệt, đó còn là nguồn tài nguyên du lịch vô tận của địa phương.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của di tích, những năm qua, Tỉnh ủy và UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các cấp, các ngành mà trực tiếp là ngành VH-TT-TT&DL tổ chức triển khai quán triệt Luật Di sản văn hóa (năm 2001) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa (năm 2009) cùng các văn bản dưới luật có liên quan đến công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa. Đồng thời, UBND tỉnh cũng đã ban hành Chỉ thị số 03, ngày 4/7/2006 về việc tăng cường bảo tồn, phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, qua đó đã đem lại một số kết quả đáng trân trọng.
Theo kết quả tổng kiểm kê di tích năm 2016, toàn tỉnh có gần 50 công trình, địa điểm có dấu hiệu di tích. Và tính đến thời điểm này, có 47 di tích đã được xếp hạng (trong đó gồm 13 di tích quốc gia và 34 di tích cấp tỉnh). 

Chính điện di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Thành hoàng cổ miếu (chùa Minh). 

Trong thời gian qua, hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được thực hiện thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia, ngân sách Nhà nước và địa phương đầu tư cho hoạt động chống xuống cấp và tu bổ các di tích được ổn định và tăng dần theo từng năm, nhiều di tích được đầu tư kinh phí tu bổ khá hoàn chỉnh như: Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh, tháp cổ Vĩnh Hưng, đình Tân Long (huyện Vĩnh Lợi), Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, đồng hồ Thái Dương (TP. Bạc Liêu), di tích lịch sử Nọc Nạng (TX. Giá Rai), Nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên (huyện Đông Hải), Khu căn cứ Tỉnh ủy (huyện Hồng Dân)… Bên cạnh nguồn kinh phí Nhà nước, thời gian qua còn có sự đóng góp hàng chục tỷ đồng của các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân trong và ngoài nước cho hoạt động chống xuống cấp, tu bổ các di tích như: chùa Giác Hoa (Vĩnh Lợi), Tiên sư cổ miếu, chùa Bang, chùa Xiêm Cán, Thiên Hậu cung (TP. Bạc Liêu)… cũng đã góp phần không nhỏ vào việc gìn giữ các di tích quý báu của dân tộc.
Các di tích được xếp hạng (kể cả quốc gia và cấp tỉnh) hầu hết đều được phát huy giá trị dưới nhiều góc độ khác nhau. Nhiều di tích đã trở thành những sản phẩm văn hóa - du lịch khá hoàn chỉnh, có sức hấp dẫn du khách. Trong 13 di tích quốc gia hiện nay, Bạc Liêu đã có 2 di tích là Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh và Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu được Hiệp hội Du lịch ĐBSCL công nhận là điểm du lịch tiêu biểu cấp vùng.
Hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích là một công việc đầy khó khăn, phức tạp, đòi hỏi chuyên môn cao và sự đồng thuận của các cấp, các ngành cũng như sự nhiệt tình tham gia hưởng ứng của đông đảo các tầng lớp nhân dân. Bạc Liêu là một vùng đất trẻ, một tỉnh được tái lập không lâu so với bề dày lịch sử, cho nên trong quá trình triển khai, tổ chức thực hiện hoạt động bảo tồn di tích, mặc dù đạt được một số kết quả đáng trân trọng, nhưng cũng không tránh khỏi những hạn chế, tồn tại nhất định.
Để công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích gắn với phát triển du lịch, các cấp chính quyền, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan cần làm tốt công tác quảng bá, tiếp thị, giới thiệu rộng rãi các di tích dưới góc độ là tài nguyên du lịch cho du khách trong và ngoài nước thông qua các ấn phẩm, tập gấp, mạng Internet, các hội chợ, triển lãm, xúc tiến du lịch… Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần sớm ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm quy định trách nhiệm cụ thể đối với các cấp, các ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị các di tích trên địa bàn tỉnh. Tổ chức lập quy hoạch bảo quản, tu bổ di tích gắn với phát triển du lịch. Mời gọi đầu tư các dịch vụ, các sản phẩm, quà lưu niệm đặc trưng để phục vụ khách tham quan. Củng cố, mở rộng các tuyến tham quan du lịch trên cơ sở hạt nhân là các di tích. Chúng ta có thể thiết kế các tuyến tham quan du lịch theo từng chuyên đề như: Tuyến tham quan du lịch - văn hóa tâm linh ở các công trình kiến trúc nghệ thuật đình, chùa, miếu của 3 dân tộc; tuyến tham quan khám phá các công trình kiến trúc nhà cổ thời Pháp; tuyến tham quan tìm hiểu các di tích lịch sử… Đó là những giải pháp vô cùng quan trọng!
Bên cạnh đó, nên chú trọng tăng cường đào tạo đội ngũ hướng dẫn viên du lịch và các thuyết minh viên tại các di tích để đạt yêu cầu cao về trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, cách giao tiếp, ứng xử với khách. Tổ chức lại việc đón tiếp, giới thiệu, trưng bày và tổ chức các sự kiện, lễ hội diễn ra tại di tích nhằm tránh cảm giác tẻ nhạt, nhàm chán của du khách.
Di tích là tài nguyên du lịch vô tận, cho nên, không chỉ ngành chức năng mà cần có sự chung tay của các huyện, thị xã, thành phố trong việc quan tâm đầu tư kinh phí cho công tác lập hồ sơ khoa học xếp hạng di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia, đi đôi với việc xây dựng và tổ chức thực hiện công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi các di tích trên địa bàn mình, nhất là các di tích có chiều hướng phát triển du lịch.
Bài và ảnh: Thủy Sinh

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.