Khi nông dân hát...

Thứ Tư, 27/06/2018 | 16:46

Khi rũ bỏ lớp áo sau bờ ao, ruộng lúa, họ - những nông dân đã cháy hết mình với những giai điệu ngân lên từ trái tim. Hội thi Tiếng hát nông dân năm 2018 (do Hội Nông dân tỉnh tổ chức) vừa kết thúc với nhiều dư vị đọng lại!

Hai mươi hai thí sinh đã mang đến hội thi 21 tiết mục thật đặc sắc. Trong đó tiết mục song ca đã mang về giải Nhất cho thí sinh huyện Hồng Dân. Không thấy bất kỳ sự rụt rè nào của các thí sinh, mà họ trình diễn khá tự tin, duyên dáng, làm cho các phần thi thật sự hấp dẫn, lôi cuốn. Khi giai điệu ngân lên, khán giả mới vỡ òa: thì ra, bà con nông dân mình cũng đâu thua gì ca sĩ, nghệ sĩ. Sự đam mê và “nhập tâm” của nông dân đã khiến cho Ban tổ chức vui lòng “phóng tay” phát giải cho tất cả thí sinh. Đây là điểm khác biệt của hội thi so với những lần tổ chức trước khi chỉ có khoảng 50% thí sinh được trao giải. Một điểm cộng cho hội thi lần này là hầu hết thí sinh chưa hề được tập dượt với ban nhạc trước khi trình diễn. Đến giờ thi là thí sinh lên sân khấu hát luôn, không chuẩn bị trước, vậy mà họ cũng đã “cống hiến” cho khán giả những tiết mục thật “tròn trịa”! 

Thí sinh Trần Thanh Giàu đoạt giải Nhì tại hội thi Tiếng hát nông dân năm 2018. Ảnh: N.V
Chất giọng ngọt ngào cùng lối biểu diễn tự tin, anh Trần Thanh Giàu (khóm 1, phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai) đã tạo ấn tượng mạnh với khán giả về phần trình diễn của mình. Mọi người dự đoán anh đoạt giải cao vì phần thi khá tốt. Kết quả, anh Giàu đoạt giải Nhì. Anh Giàu tâm sự: “Tôi đam mê ca hát từ nhỏ. Ở nhà làm vuông tôm, nhưng máu văn nghệ trong người luôn thôi thúc tôi hoạt động nghệ thuật. Dở dang chuyện học ở trường sân khấu điện ảnh, song niềm đam mê vẫn không tắt trong tôi. Tự mày mò học cách diễn kịch, đạo diễn những chương trình nhỏ ở địa phương…, dần dần tôi gần như hoạt động chuyên nghiệp ở lĩnh vực ca hát này hồi nào không hay”. Vậy là sau những giờ vất vả ở vuông tôm, anh Giàu dành hết công sức cho những giai điệu âm nhạc để thỏa niềm đam mê của mình.
Hội thi có tên gọi “Tiếng hát nông dân”, nên có những thí sinh mang cả “hương đồng gió nội” lên sân khấu. Nghĩa là họ hát một cách chân phương, tự nhiên đến nỗi mệt là vô tư… ngừng lại, rồi lấy hơi hát tiếp. Khán giả cũng dễ thương chấp nhận vì như thế mới là “tiếng hát nông dân”. Đặc biệt nhất có lẽ là Nguyễn Công Nghĩa (TX. Giá Rai) còn tự sáng tác lời bản tài tử theo điệu Tây Thi để trình diễn cho phù hợp nội dung tại hội thi này. Bài ca là câu chuyện kể về cuộc đời cơ cực của nông dân, sau thời gian phấn đấu vẫn có thể đổi đời như thường nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, đã nhận được nhiều sự tán thưởng từ phía khán giả. Anh Công Nghĩa chia sẻ: “Qua bài ca, tôi muốn nhắn nhủ với mọi người rằng, nông dân bây giờ không còn là mấy lão nông tri điền, hay Hai lúa, Ba tôm như ngày trước, mà đã biết tăng gia sản xuất, vươn lên làm giàu và cùng địa phương xây dựng nông thôn mới, góp phần phát triển quê hương”. 
Đứng dưới ánh đèn sân khấu, họ hoàn toàn “lột xác” với áo veston, áo dài. Tuy là cuộc thi, nghĩa là có sự tranh tài, nhưng không khí của hội thi vẫn đậm màu giao lưu đầy vui tươi, phấn khởi. Hy vọng rằng, hội thi lần sau cũng sẽ ấn tượng như thế. 
Ngọc Trân

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.