Bút ký

Một trang đời mở ra

Thứ Tư, 25/11/2020 | 15:12

(tiếp theo số báo 3395)

Con trâu đi trước, cái cày đi sau. Ảnh: T.L

Trong khi đại bộ phận nông dân sống khổ cực như thế thì có một nhóm người ở Bạc Liêu có đời sống xa hoa nhung lụa, tiền của thừa mứa. Và cái cách ăn chơi của họ đã nổi tiếng đến tận bây giờ. Người đầu tiên tôi xin được kể là Huỳnh Văn Phước, tên theo tiếng Hoa là Dù Hột, dân đương thời gọi là Ban Biện Hột. Phước là con ông Chủ Chá, một đại địa chủ ở Bạc Liêu. Phước có người chị ruột là cô Hai Ngó. Bà này chồng chết sớm, đi tu và cất một ngôi chùa lớn, đến ngày nay vẫn còn, tọa lạc tại Cả Dày, Bạc Liêu mà người ta gọi là chùa Cô Hai Ngó. Đương thời Phước ở Sài Gòn, ít khi về Bạc Liêu và là dân ăn chơi khét tiếng. Phươc thường mặc đồ bà ba soạn trắng, đi giày Tàu, đội nón hồng mao (nón cao su cứng kiểu Anh dành cho xứ nhiệt đới, làm tại Singapore), cầm gậy Nhật Bổn, hút xì gà Ma ní… Một bữa Phước từ khách sạn Bát Đạt bước ra, đám xe kéo bu lại rất đông vì Phước trả tiền rất hậu và nếu trả dư không bao giờ nhận tiền thối lại. Thấy cả chục chiếc xe, khó xử, Phước khoát tay ra hiệu: đi hết! Thế là một xe chở Phước, một xe chở cái ba ton, xe khác chở cây dù… Đoàn xe đi dài dằng dặc. Thiên hạ nhìn thấy bảo, thằng cha này điên, nhưng cánh xe kéo nói với họ rằng: “Công tử Bạc Liêu đó”. Từ đó thành ngữ Công tử Bạc Liêu ra đời, nó chỉ những người phong lưu, ăn chơi có tiếng. Hồi đó thành ngữ Công tử Bạc Liêu là chỉ một nhóm người. Thế nhưng vài năm sau đó, Trần Trinh Huy là con của đại điền chủ số một Nam kỳ - Trần Trinh Trạch, là người mệnh danh “ngon nhất Nam Bộ” với các giai thoại đốt tiền nấu chè, đi thăm ruộng bằng máy bay đã nổi tiếng khắp chốn “giang hồ”. Từ đó người ta hiểu lầm rằng hễ nói đến mấy chữ Công tử Bạc Liêu là chỉ đích danh Trần Trinh Huy. Và có một hiểu lầm nữa cho rằng, người mỗi lần đi hàng chục chiếc xe kéo là Trần Trinh Huy.

Thời đó, Pháp có chủ trương hễ ai nhập quốc tịch Pháp thì được hưởng quy chế đặc biệt trong chính sách điền địa và thuế khóa như người Pháp. Chủ trương này còn quy định người nhập quốc tịch Pháp thì phải học tiếng Pháp. Thế nên các điền chủ lớn ở Bạc Liêu đua nhau đưa con lên Sài Gòn học trường Tây để nhập quốc tịch Pháp, gọi là “vô dân Tây”. Các cậu ấm, cô chiêu này đa số lên Sài Gòn học văn hóa Pháp ít hơn học nhảy đầm, đi xe hơi và hút á phiện… hình thành nhóm Công tử Bạc Liêu nổi đình nổi đám ở Sài Gòn. Những tên tuổi nổi danh thời đó là: Dù Hột, Hai Đinh (anh ruột của Trần Trinh Huy), Ba Huy, Ba Cân, Hai Lũy… Họ chẳng những là con đẻ của thực dân phong kiến mà còn là sản phẩm của kênh đào miệt Hậu Giang.

Còn những người nghèo khổ, số lượng rất đông, chiếm hơn 98%. Chính họ là lực lượng trực tiếp dọn rừng khẩn hoang và tổ chức sản xuất nông nghiệp, thủy hải sản trên vùng đất Bạc Liêu. Thời mới khai thiên lập địa, chính họ làm tiền đề để khi người Pháp triển khai một công cuộc làm thủy lợi lớn nhất trong lịch sử làm nông nghiệp ở miệt Hậu Giang được phát huy tác dụng. Các nguồn sử liệu cho biết mức trưởng thành của Bạc Liêu là sau năm 1914, đây cũng là thời điểm hệ thống kênh đào Bạc Liêu vừa xong cơ bản và phát huy tác dụng. Những vùng đất cầm thủy lâu đời vốn là những cánh rừng tràm do cơn bão lịch sử năm Thìn 1904 quét sạch rừng tràm, để lại. Những vùng đất mặn của rừng mắm, rừng đước… đã được dẫn nước ngọt từ sông Hậu về tưới tắm và rửa phèn chua ra biển Đông…, từ đó đủ điều kiện để dân nghèo đến khẩn hoang làm nên một giai đoạn phát triển một cách đột phá mà tôi kể trên.

Nếu loại trừ điều kiện đất đai, chỉ lấy kinh nghiệm trồng tỉa, khai thác thủy hải sản và tổ chức thương mại thì người Bạc Liêu không kém mặt anh hào so với bất kỳ nơi đâu ở ĐBSCL. Cơ cấu dân cư Bạc Liêu đã làm nên điều đó. Người Việt về đây trong hành trang của họ có kinh nghiệm được trao truyền của một dân tộc trồng lúa nước 4.000 năm. Họ đã tỏ rõ bản lĩnh trồng lúa nước ở vùng đất mới là chọn những vàm sông, ven kênh rạch để cư trú nhằm thuận tiện đi lại (hồi đó giao thông thủy là chủ yếu) và cũng dễ tháo úng xổ phèn, lấy nước cho đồng lúa. Cộng với đức tính chịu khó, sáng tạo của dân tộc mình, khi vụ mùa khó khăn hoặc thời gian nông nhàn họ vào rừng khai thác gỗ, bứt dây choại, lấy mật ong, sáp ong đem bán… Rồi đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp bằng cách trồng tỉa các loại hoa màu truyền thống của người Kinh như: bầu, bí, dưa, khoai… hoặc nuôi trâu, nuôi vịt đẻ…

Người Khmer với tập quán cư trú trên những vùng đất cao ráo, kinh nghiệm quý của họ cũng là canh tác trên những vùng đất cao. Các nhà nông học trên thế giới kết luận rằng, cây khoai môn của người Khmer Nam Bộ là một biểu thị của nền văn minh nông nghiệp trên đất khô. Ngoài ra, họ còn sáng tạo ra những nghề sinh sống đặc biệt như: nhấp cá lóc, gác cu…, các công cụ đánh bắt tôm cá của họ đã tỏ rõ sức mạnh lâu bền như cái xà ngôm, xà di, xà nen…

Còn người Hoa sở trường là thương mại và khai thác biển,  bao gồm cả việc trồng tỉa trên đất giồng cát ven biển và làm muối.

Ba dân tộc anh em hội tụ trên đất Bạc Liêu đều có sự đóng góp lớn lao trong công cuộc khẩn hoang lập ấp. Một điều rất đáng nói là mỗi dân tộc về đây đều có mang theo hành trang văn hóa của dân tộc mình, đó là lối sống, kinh nghiệm làm ăn. Ba dòng văn hóa ấy gặp nhau thì giống như một sự phản ứng hóa học, nó sinh ra một thứ văn hóa khác, đó là thứ văn hóa được điều hợp và nâng lên. Để rồi chúng ta có một nền văn hóa cộng cư đặc sắc, một lối sống hay, một kinh nghiệm trồng tỉa phong phú hơn nhiều vùng.

(còn nữa)

Nhà văn Phan Trung Nghĩa

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.