Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10) Nét đẹp từ văn hóa doanh nghiệp

Thứ Tư, 11/10/2017 | 15:59

Trong sự phát triển của tỉnh nhà, chúng ta không thể phủ nhận sự đóng góp của doanh nghiệp. Hưởng ứng Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chúng tôi muốn tôn vinh những nét đẹp đến từ văn hóa kinh doanh. Bởi lẽ, xây dựng văn hóa doanh nghiệp cũng là một cách để doanh nghiệp trường tồn, và sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển chung cho tỉnh.
Cách đây 72 năm, Bác Hồ đã gửi một bức thư đến giới công thương, trong đó có đoạn: “Cùng các ngài trong giới công thương, được tin giới công thương đã đoàn kết lại thành Công thương cứu quốc đoàn và gia nhập vào Mặt trận Việt Minh, tôi rất vui mừng. Hiện nay Công thương cứu quốc đoàn đương hoạt động để làm được nhiều việc ích quốc lợi dân. Tôi rất hoan nghênh và mong đợi nhiều kết quả tốt. Trong lúc các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công thương phải hoạt động để xây dựng một nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng”. Như vậy, gần 8 thập niên trước, vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc ta đã nhìn thấu tầm quan trọng của công thương lúc bấy giờ, là hiện thân của doanh nghiệp ngày nay. Nhiệm vụ của chúng ta ở hiện tại, chính là xây dựng cho được đội ngũ doanh nghiệp hùng mạnh, để góp phần thúc đẩy sự phát triển cho địa phương. Trên thực tế, thời gian qua lãnh đạo tỉnh đã làm rất tốt công tác chăm sóc doanh nghiệp, thậm chí “trải thảm đỏ” để mời gọi, thu hút đầu tư về địa phương. Bởi lẽ, khi doanh nghiệp phát triển thì sẽ kéo theo nhiều thuận lợi cho tỉnh nhà. Chính vì thế, mối quan hệ tương quan này đang, sẽ được duy trì khá tốt ở hiện tại và trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Vương Phương Nam tặng hoa cho nhà tài trợ tại lễ hội Dạ cổ hoài lang - năm 2016. Ảnh: H.T 


Theo PGS-TS Dương Thị Liễu, Viện Văn hóa kinh doanh, thì văn hóa doanh nghiệp là văn hóa của một tổ chức. Vì vậy, nó không đơn thuần là văn hóa giao tiếp, cũng không phải là những khẩu hiệu của ban lãnh đạo được treo trước cổng hay trong phòng họp. Nó là giá trị, niềm tin, chuẩn mực được thể hiện trong thực tế và trong các hành vi của mỗi doanh nghiệp. Và thực tế cũng cho thấy, văn hóa doanh nghiệp còn góp phần tạo nên sự khác biệt giữa các doanh nghiệp, được coi là truyền thống của riêng mỗi doanh nghiệp. Ông Trần Văn Thảo, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Bạc Liêu, cho biết: “Chúng tôi đang triển khai Bộ quy tắc ứng xử văn minh do tỉnh và Sở VH-TT&DL ban hành để toàn thể nhân viên của khối nhà hàng, khách sạn thực hiện. Trong đó, việc giao tiếp lịch sự với khách hàng, mặc đồng phục đúng quy định… được thực hiện một cách nghiêm túc. Những quy định này vừa đáp ứng theo yêu cầu ngày càng cao của khách hàng, vừa nâng tầm cạnh tranh với doanh nghiệp bạn”. Không riêng gì Công ty Cổ phần Du lịch Bạc Liêu, mà nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng thực hiện nét văn hóa trong kinh doanh để xây dựng thương hiệu cho mình. Bởi lẽ, tạo được văn hóa trong kinh doanh là nền tảng để hội nhập. Bạc Liêu đang trong quá trình tiến ra “biển lớn” bằng những cú đột phá trong kinh tế. Cho nên, điều tiên quyết là phải xây dựng cho được văn hóa kinh doanh nhằm bước vào thời kỳ hội nhập một cách bền vững.
Không chỉ vậy, thời gian qua, doanh nghiệp ở Bạc Liêu luôn đồng hành cùng tỉnh trong nhiều hoạt động, sự kiện lớn nhỏ. Dưới hình thức “nhà tài trợ”, doanh nghiệp đã góp phần giúp những sự kiện chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh diễn ra thành công. Điển hình như: Công ty TNHH MTV Xổ số Kiến thiết tỉnh Bạc Liêu, Công ty TNHH TM-XNK thủy hải sản Âu Vững, Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - Bạc Liêu… Đây cũng là nét văn hóa đã và đang được duy trì khá tốt, tạo nên mối quan hệ chặt chẽ giữa địa phương và doanh nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung cho tỉnh nhà. 
Ngọc Vũ 

Viết bình luận mới
thăm dò ý kiến

Theo bạn, điều gì có thể giữ chân và thu hút người tài vào khu vực công?

THÔNG TIN CẦN BIẾT
Nhiều mây, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông. Gió tây nam cấp 3. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.