Bộ đội Cụ Hồ
Cựu chiến binh Trần Văn Bé: Hiến dâng cả cuộc đời cho quê hương, đất nước
84 tuổi đời, 32 năm tuổi quân, 60 năm tuổi Đảng, ông Trần Văn Bé (tên thường dùng Năm Thạnh - ảnh) vẫn đảm trách công việc Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí Bạc Liêu, bất chấp tuổi cao, sức yếu với mong muốn góp phần xây dựng quê hương, đất nước để xứng danh là người lính Cụ Hồ trong thời chiến cũng như thời bình.
Cuối năm 1958, anh thanh niên Năm Thạnh lúc ấy quyết định thoát ly gia đình tham gia bộ đội chủ lực để trực tiếp đánh giặc, giải phóng quê hương, đất nước. Tham gia kháng chiến với bao gian khổ, có lúc ngủ nơi bưng biền, ăn thì bữa cháo bữa rau nhưng ông rất vui vì được cống hiến sức trẻ cho đất nước. Trong suốt thời gian dài từ ngày tham gia cách mạng đến khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, ông đã cùng đồng đội đánh địch với hơn 100 trận lớn nhỏ ở chiến trường Cà Mau, Bạc Liêu. Từ tiểu đội phó, tiểu đội trưởng rồi trung đội phó, trung đội trưởng của Tiểu đoàn Ngô Văn Sở (Cà Mau), sau đó làm Huyện đội phó Giá Rai, Phó Ban Tác chiến Tỉnh đội Bạc Liêu, có những trận đánh như “ngàn cân treo sợi tóc” nhưng chưa bao giờ làm cho ông lung lay ý chí.
Trong đó, đáng nhớ nhất với ông là trận đánh Chi khu Đầm Dơi. Sau hơn nửa thế kỷ, ông vẫn còn nhớ như in: “Tiểu đội chúng tôi phải trinh sát rất nhiều ngày mới lên kế hoạch đánh cường tập bằng bốn mũi giáp công, lúc ấy tôi là Tiểu đội phó cùng với đồng chí Trung đội trưởng phụ trách mũi 1, với cách đánh 3 mũi chính và 1 mũi phụ. Lúc đó trong chi khu có hơn 100 tên lính gồm Bảo an và Dân vệ túc trực. Bị đánh bất ngờ, tuy trở tay không kịp nhưng bọn chúng vẫn chống trả quyết liệt, trận đánh diễn ra hơn 30 phút, cuối cùng chúng tôi tiêu diệt gọn Chi khu Đầm Dơi, tiêu diệt và bắt sống hàng chục tên địch, thu toàn bộ vũ khí”.
Vào tháng 3/1973, ông được điều động về Huyện đội phó Huyện đội Giá Rai, sau đó lại được điều động về Bạc Liêu làm Phó Ban Tác chiến của Tỉnh đội, rồi về làm Hiệu trưởng Trường Quân sự địa phương huấn luyện khoa đặc công, khoa cán bộ Trung đội trưởng, Trung đội phó, Tiểu đội trưởng, Tiểu đội phó để chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Không nghỉ ngơi dù chiến tranh đã kết thúc, chỉ vài năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1979, ông Năm Thạnh lại tiếp tục được điều động sang nước bạn Campuchia làm Phó Tham mưu trưởng Đoàn 9907 Ban Tác chiến chỉ đạo các Tiểu đoàn đánh Pôn Pốt trong tỉnh KôKông. Năm 1989 Việt Nam rút quân khỏi Campuchia, nhưng mãi đến năm 1990 khi quy tập toàn bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh nơi chiến trường Campuchia thì ông mới về nước và nghỉ hưu.
Về hưu, ông tiếp tục tham gia Hội Cựu chiến binh thị xã, Hội Cựu chiến binh tỉnh, năm 2016 ông được phân công đảm trách Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hưu trí cho đến nay. Dù tuổi cao sức yếu nhưng khi Đảng phân công công tác ở cương vị nào ông cũng luôn làm tròn trách nhiệm của người lính Cụ Hồ. Ông cho biết: “Với tôi không có khái niệm thời gian tuổi tác, Đảng phân công làm bất cứ việc gì khi thấy sức khỏe và trí tuệ của mình vẫn còn minh mẫn là tôi nhận nhiệm vụ ngay. Thời gian qua, tôi luôn làm tròn trách nhiệm của mình, tôi rất mãn nguyện vì đã góp được một phần công sức nhỏ bé để xây dựng quê hương”.
VIỆT HÀ
- Hướng dẫn sử dụng phần mềm FaceFarm và WACA trong sản xuất lúa giảm phát thải
- Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh: Triển khai chương trình công tác quý 4/2024
- Làm việc với Bộ Nông nghiệp Cộng hòa Pháp về nâng cao giá trị hạt muối
- Khởi tố Hiệu trưởng trường mẫu giáo nhận hơn 300 triệu đồng bỏ túi riêng
- Họp mặt kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam