Xuân Kỷ Hợi 2019
Ký ức về một vùng quê
Trong ký ức của một cụ già 92 tuổi - Lê Phước Thọ (còn gọi Sáu Hậu, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương) về nơi đã gắn bó và chứng kiến những bước đi đầu tiên đến với cách mạng của mình - Bạc Liêu luôn đi lên từ việc chắt lọc nét đẹp truyền thống và sự quyết đoán, năng động… Xuân về, nhìn lại để nhớ một thời của cha ông, để trân quý hơn những gì ta có được hôm nay.
Chú Sáu Hậu (bên trái) và tác giả. Ảnh: V.T.N
1. Thời Pháp thuộc, tuy thành lập muộn (1899) nhưng địa giới tỉnh Bạc Liêu lớn lắm; có thời điểm bao gồm cả phần đất của tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Kiên Giang ngày nay.
Năm 1938, khi chú Sáu Hậu vừa tròn 12 tuổi thì gia đình buộc phải rời quê ở ấp Xóm Mới (xã Tân Lộc, quận Cà Mau, tỉnh Bạc Liêu - nay thuộc xã Tân Lộc Đông, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau) đi “tha phương cầu thực”, đến ấp Bang Cang (xã Phong Thạnh Tây, quận Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu).
Bang Cang thuộc một điền Tây, là địa danh dân thường gọi, ghép tên (Cang) - một người cố cựu ở đây làm đến chức “Bang” gì đó. Đây là vùng đất cầm thủy, nhiễm phèn nặng, làm chỉ một vụ lúa trong năm, năng suất rất thấp. Ngay khi đến lập nghiệp, gia đình chú Sáu Hậu mướn 70 công ruộng và một đôi trâu để cày cấy, kéo lúa; đồng thời phải vay trước 70 giạ lúa để gia đình có cái ăn, đợi tới mùa sẽ trả cho chủ. Khi lúa vừa trỗ đòng, chủ điền đã sai tằng khạo đi nhắc nhở tá điền. Cuối mùa, chủ đất cử người đến tận thu gia đình chú Sáu với các khoản: vay lúa 70 giạ trả 140 giạ (vay một trả gấp hai), thêm 70 giạ cho diện tích đất mướn, 70 giạ nữa cho một cặp trâu… Hầu hết các hộ trong làng không ai nộp đủ các thứ thuế do chủ điền đặt ra khi đó, phải ghi nợ dù có nai lưng làm thuê làm mướn, vét rơm, mót lúa sau thu hoạch. Vào mùa giáp hạt, nhà tá điền nào cũng ăn cháo hoặc ăn độn thêm khoai, rau, bắp. Năm nào thất bát thì năm sau cuộc sống càng túng bấn cơ cực hơn.
2. Ai đó nói người dân Nam bộ gắn bó với cây đờn suốt vòng đời của họ, quả không sai. “Là nông dân nhưng tính cách cha tôi rất nghệ sĩ. Ông là “cây văn nghệ” có hạng, biết chơi hầu hết các loại đờn. Sau một ngày mưu sinh cực nhọc, đêm về, bà con chòm xóm hay tụ họp ở nhà tôi ca hát, sinh hoạt. Cha tôi có một bộ đờn theo ông hàng chục năm, bộ đờn này đã mang niềm vui đến cho những người cùng khổ trong xóm; đã hun đúc từ nhỏ cho anh em tôi tính phóng khoáng, sự chia sẻ, thân ái, tự dặn mình sống sao cho phải đạo, trọn nghĩa vẹn tình, lánh xa thói hư tật xấu ở đời. Cũng nhờ tiếng đờn giọng ca của cha mà anh em tôi được truyền sự nhạy cảm trước cái thiện, cái đẹp, sự sâu đậm của tình người; cảm nhận được rõ hơn nét văn hóa đặc trưng, cội nguồn của mảnh đất phương Nam đã bén rễ ăn sâu vào tâm hồn người Nam bộ sâu lắng đến dường nào…”, chú Sáu Hậu bùi ngùi kể.
Bạc Liêu còn có bản Dạ cổ hoài lang, với giai điệu, ca từ khiến bao người như tìm thấy số phận mình trong đó. 300 năm có lẻ hình thành dải đất phương Nam; cả 100 năm nghệ thuật đờn ca tài tử, Dạ cổ hoài lang đã trở thành “viên ngọc quý”, là báu vật của đồng bằng và dân tộc. Vọng cổ, cải lương, đờn ca tài tử chính là tiếng vọng cội nguồn, hồn cốt châu thổ sông Cửu Long, là tình người, tình đất phương Nam và vẫn luôn sâu lắng, thấm đẫm, cuồn cuộn chảy mãi hòa vào dòng chảy tinh hoa văn hóa Việt Nam và kho tàng văn hóa nhân loại.
3. Mâu thuẫn giữa nông dân và điền chủ ngày càng gay gắt. Cái nét cương cường, nghĩa khí của người Bạc Liêu lại được thử thách. Với liên tiếp hai sự kiện gây chấn động khắp Nam kỳ, vang vọng cả Đông Dương và Nhà nước Pháp khi đó: “Thà chết như vậy cho xong một kiếp nô lệ ở trần, vậy cũng trọn cái phận làm người đối với nước” (Pháp Việt Nhật báo - 17/5/1927) đề cập đến sự kiện Ninh Thạnh Lợi - quận Phước Long (huyện Hồng Dân - Bạc Liêu nay). Ngay năm sau, tại Đồng Nọc Nạng (Phong Thạnh, quận Giá Rai) lại nổ ra sự kiện gia đình nông dân Mười Chức. Một ngàn hai tám, tiếng rày nói vang/Phong Thạnh vốn thiệt tên làng/Giá Rai là quận, chợ làng kêu chung/ Anh em Mười Chức công khùng/Bị tranh điền thổ, rùng rùng thác oan…” (Vè Nọc Nạng). Mồ hôi chưa ráo mà máu những người nông dân chân chất, nghèo khổ đã đổ xuống trên chính miếng đất của mình.
Thật tự hào nơi mình sống có những con người kiên trung, bất khuất, đấu tranh vì lẽ phải. Phong Thạnh Tây, nơi khiến tôi hiểu rõ hơn kiếp người nô lệ; nơi thôi thúc và chứng kiến những bước đi đầu tiên của tôi đến với cách mạng, đến với chủ nghĩa cộng sản. Và càng tiếp xúc tôi càng hiểu vì sao chú Sáu Hậu quyến luyến quấn quít với quê hương, gia đình, với mảnh đất từng nuôi dưỡng mình sâu đậm đến như vậy!
Vũ Thống Nhất
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh tiếp xúc cử tri TP. Bạc Liêu
- 2 tháng cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo vệ tết Nguyên đán Ất Tỵ
- Những quy định mới về tổ chức, hoạt động và quản lý hội
- Hiệu quả liên kết hợp tác giữa TP. Hồ Chí Minh với các tỉnh ĐBSCL
- Chế độ, chính sách đối với các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh